Miền Bắc đang trong giai đoạn nồm ẩm, thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm. Đây không chỉ là thời điểm nhiều bệnh có nguy cơ phát triển và lây lan như hô hấp mà các bệnh do ngộ độc thực phẩm cũng gia tăng.
Hiện nay, tại một số tỉnh miền Bắc, thời tiết nồm ẩm với độ ẩm không khí cao, nhiệt độ dao động thất thường tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Các loại vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Staphylococcus aureus... dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm, nếu ăn hoặc uống phải có thể bạn sẽ bị ngộ độc thực phẩm.
Trong mùa nồm, các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản... nếu không được bảo quản đúng cách sẽ nhanh chóng bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Các món ăn chế biến sẵn như nem chua, giò chả, gỏi... thường được bày bán ở nhiệt độ phòng, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển. Rau xanh, trái cây nếu không được rửa sạch cũng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, cơm nguội, thức ăn thừa là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt là Bacillus cereus, gây ra các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nồm, cần lựa chọn thực phẩm tươi ngon, ưu tiên mua ở những địa điểm uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra kỹ hạn sử dụng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm, tránh mua những thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, hư hỏng.
Bảo quản thực phẩm đúng cách cũng rất quan trọng. Thực phẩm tươi sống cần được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp, thực phẩm chín cần được đậy kín, bảo quản riêng biệt với thực phẩm sống. Không nên để thức ăn thừa quá lâu, tốt nhất là ăn hết trong vòng 2 giờ sau khi chế biến.
Trong quá trình chế biến thực phẩm, cần rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến, rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy, nấu chín kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt, cá, hải sản.
Ngoài ra, cần giữ gìn nhà bếp sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên lau dọn tủ lạnh, kệ bếp, vứt rác đúng nơi quy định, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Khi có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, sốt..., cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ./.