Là địa phương có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của huyện Quảng Hoà gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo từng vùng, địa phương đã tạo nên những bước phát triển mới trong sản xuất.
Việc ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp được người dân quan tâm thực hiện, áp dụng các thiết bị máy móc hiện đại, đẩy mạnh cơ giới hóa vừa góp phần giải phóng sức lao động của người nông dân, vừa bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Số lượng máy móc được sử dụng trong nông nghiệp tăng nhanh, tỷ lệ người dân sử dụng máy nông nghiệp trong các khâu làm đất hiện chiếm trên 90%; thu hoạch trên 55%; máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc 30%... Tỷ lệ sử dụng các loại giống mới, giống có năng suất, chất lượng cao chiếm đa số, như: giống lúa đạt trên 95%; giống ngô đạt 99%; 100% các loại giống cây ăn quả được trồng chủ yếu sử dụng giống lai gốc cho năng suất cao.
Về ứng dụng KHCN trong chăn nuôi như: công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi lợn, hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng men trong ủ thức ăn chăn nuôi trâu, bò…, góp phần giảm thiểu phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối với công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp thì huyện đã có những định hướng cụ thể, mang tính bền vững, trong đó ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh, từ đó thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của vùng theo chuỗi giá trị. Các xã, thị trấn triển khai thực hiện các mô hình: Bảo tồn và phát triển nguồn gen cây mác púp, thâm canh cải tạo vùng chè Đoỏng Pán, phát triển cây dược liệu cát Sâm; quản lý, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu chứng nhận “Dao Phúc Sen - Quảng Hòa - Cao Bằng”…
Để thúc đẩy liên kết nông dân với doanh nghiệp, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị. Có một số doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, hình thành vùng trồng nguyên liệu trong sản xuất như: trồng mía nguyên liệu, trồng thuốc lá, trồng chè, trồng cây mác ca, cây ăn quả..., từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Đến nay, huyện có 28 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Dao Phúc Sen - Quảng Hòa - Cao Bằng”; đăng ký thành công 20 mã QR (truy xuất nguồn gốc sản phẩm) cho 20 sản phẩm trên địa bàn huyện; hoàn thiện đề tài khoa học về một số loại cây trồng trên địa bàn như: cây mác púp, cây sâm cát, cây mít chất lượng cao, cây vừng tròn…
Đại diện lãnh đạo huyện Quảng Hoà cho biết: Phát triển và ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất và đời sống là nhiệm vụ chiến lược, có tính liên tục và lâu dài, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp với nội dung thiết thực, phù hợp. Chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, các trường, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ KHCN, đồng thời xác định, lựa chọn tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất và cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của huyện nhằm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất.