Trước khi chờ văn bản hướng dẫn tiếp theo, nhiều trường học đã tạm dừng việc tổ chức lớp học thêm vì không có nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các địa phương về việc thực hiện Thông tư này, trong đó có việc đảm bảo công tác ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Vấn đề có cơ chế cơ chế hỗ trợ cho các giáo viên trong việc ôn tập cho học sinh cuối cấp cũng được đề cập tới. Tuy nhiên, trước khi chờ văn bản hướng dẫn tiếp theo, nhiều trường học đã tạm dừng việc tổ chức lớp học thêm vì không có nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên.
Trước đây, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học tăng cường thêm vào các buổi chiều và có thu phí. Nhưng hiện tại với quy định mới, lớp học chỉ được duy trì trong buổi học chính khóa.
Trường THCS Thạch Thất, Hà Nội sẽ cho học sinh lớp 9 nghỉ học thêm buổi chiều cho tới khi có thông tin chính thức về môn thi thứ 3 vào lớp 10 công lập. Sang đầu tháng tới, việc ôn tập sẽ được khởi động lại.
Ngân sách hạn chế là thách thức lớn với nhiều trường học hiện nay khi muốn tiếp tục dạy bổ trợ cho các lớp cuối cấp.
Ông Đỗ Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi có 5 lớp 9, số tiết chi trả theo số tiết thừa giờ là tầm 70-80 triệu đồng. Chi phí chi thường xuyên ở vùng nông thôn rất hạn hẹp, cũng chỉ đủ cho hoạt động. Kinh phí để chi cho thầy cô gặp nhiều khó khăn".
Ông Kiều Đăng Cường, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết: "Đối với các trường trên địa bàn huyện, chúng tôi ước tính nguồn kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên khoảng trên 2 tỷ đồng. Chúng tôi tiếp tục tham mưu huyện, sở có nguồn cấp bổ sung để nhà trường có kinh phí chi cho hoạt động này".
Thời điểm này, nhiều trường THPT tại Hà Nội cũng thông báo dừng các lớp bồi dưỡng kiến thức ôn thi tốt nghiệp. Chỉ có một số ít trường tiếp tục ôn tập cho học sinh khối 12 bằng việc trích kinh phí từ nguồn chi tiêu nội bộ như THPT Xuân Đỉnh, Thạch Bàn, Trần Phú hay Việt Đức…
"Mô hình này chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay rồi. Không phải chúng tôi dạy thêm tất cả trường. Chúng tôi gom học sinh chưa nắm chắc kiến thức, hình thành các lớp học. Việc chi trả sẽ lấy ngân sách nhà trước, dựa trên chi tiêu nội bộ hàng năm", bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.
Được dạy thêm nhưng phải miễn phí, cho nên trường học đã vận động giáo viên không nhận thù lao khi ôn tập cho các em trong lúc chờ đợi hướng dẫn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: "Phải dành một dòng ngân sách để cho các cơ sở giáo dục để hỗ trợ bồi dưỡng cho giáo viên cho các em, như vậy mới đảm bảo khích lệ, động viên giáo viên nghiên cứu bài giảng cho các em một cách có hiệu quả hơn".
Hà Nội đang đề xuất với cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí phục vụ việc dạy bổ trợ cho học sinh cuối cấp. Một số địa phương khác thì đề nghị các cơ sở giáo dục bố trí kinh phí đã được cấp trong năm 2025 để tổ chức các lớp bồi dưỡng này.
Trong khi đó, giải pháp trước mắt của hầu hết các nhà trường là giao thêm bài tập về nhà cho các em tự nghiên cứu.
Thay đổi thói quen cần có thời gian. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để biến kiến thức thầy cô dạy trên lớp thành kiến thức của bản thân, học sinh cần dành thời gian tự học gấp 2 đến 3 lần. Như vậy, nếu học thêm với giáo viên 1 giờ, các em cần tự học ít nhất 2-3 giờ để hiểu, thực hành và ghi nhớ./.