Dịch tả đang bùng phát mạnh trở lại do xung đột và biến đổi khí hậu, khiến nguồn cung vaccine toàn cầu bị quá tải và đe dọa hàng triệu người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2024, thế giới ghi nhận 804.721 ca mắc bệnh tả và 5.805 ca tử vong, tăng gần 50% so với năm 2023. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính con số thực tế có thể cao hơn nhiều, dao động từ 1,3 đến 4 triệu ca mắc và từ 21.000 đến 143.000 ca tử vong mỗi năm.
Từ đầu năm 2025, 6 quốc gia gồm Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan, Nam Sudan, Angola và Ghana - đã yêu cầu bổ sung nguồn vaccine từ kho dự trữ toàn cầu để kiểm soát dịch bệnh. Kho dự trữ này được thiết kế để duy trì 5 triệu liều vaccine, nhưng do nhu cầu tăng vọt cùng với sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất khiến nguồn cung liên tục cạn kiệt. Từ năm 2022, không có chiến dịch tiêm phòng dịch tả nào được triển khai tại các quốc gia có nguy cơ cao.
Công tác điều trị gặp nhiều khó khăn
Tại một trung tâm điều trị dịch tả ở Gurei, ngoại ô thủ đô Juba của Nam Sudan, tình hình vẫn rất căng thẳng. Bệnh nhân được điều trị trên các giường nhựa có lỗ ở giữa để hỗ trợ thoát dịch, trong khi nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ phun khử trùng liên tục.
Đơn vị điều trị bệnh tả của MSF ở Gurei, Juba. (Ảnh: The Guardian)
Dịch tả lây lan qua nguồn nước nhiễm khuẩn, gây tiêu chảy cấp và mất nước nghiêm trọng. Phương pháp điều trị chính là bù nước bằng dung dịch oresol, trong khi các trường hợp nặng cần truyền dịch và dùng kháng sinh để hạn chế triệu chứng.
Nguyên nhân lây lan dịch bệnh tại Nam Sudan bắt nguồn từ dòng người tị nạn tại quốc gia này, nơi chiến sự đã đẩy nhiều người vào các trại tạm bợ với điều kiện vệ sinh kém. Dịch bệnh sau đó lan rộng khi người dân di chuyển khắp đất nước.
Anh Saber Juma, 33 tuổi, sống tại Jebel Timan, mắc bệnh chỉ một ngày sau khi vợ anh hồi phục. "Buổi sáng, anh ấy chuẩn bị đi làm, uống trà và vào nhà vệ sinh ba lần. Sau đó, anh ấy bắt đầu nôn và không thể di chuyển", vợ anh kể lại. Sau hai ngày điều trị, anh đã được xuất viện nhưng vẫn phải tiếp tục công việc nhặt rác, nguồn thu nhập duy nhất của anh.
Thách thức trong kiểm soát dịch bệnh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC), dịch tả vẫn là nguyên nhân gây tử vong cao tại lục địa này do hệ thống y tế yếu kém và thiếu nguồn cung cấp y tế cần thiết. Tình trạng lũ lụt gia tăng do biến đổi khí hậu, kết hợp với điều kiện vệ sinh kém, đang đẩy nhanh sự lây lan của dịch bệnh.
Một cái giếng đào không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, vẫn được cộng đồng sử dụng. (Ảnh: The Guardian)
Bà Allyson Russell, nhà dịch tễ học và là quản lý cấp cao tại liên minh vaccine toàn cầu Gavi cho biết mặc dù nguồn cung vaccine hiện tốt hơn so với vài năm trước, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Hiện tại, công ty EuBiologics của Hàn Quốc là nhà cung cấp duy nhất cho kho dự trữ toàn cầu. Năm 2024, WHO đã phê duyệt một phiên bản vaccine đơn giản hơn, giúp tăng công suất sản xuất. Năm ngoái, 40 triệu liều đã được phân phối, và trong năm nay, con số này dự kiến tăng lên 70 triệu liều.
Bà Russell nhấn mạnh rằng nước sạch và vệ sinh môi trường là tuyến phòng thủ quan trọng nhất, nhưng vaccine vẫn đóng vai trò thiết yếu, đặc biệt trong khu vực xung đột, nơi mà điều kiện sống của người dân rất bấp bênh.
Nỗ lực kiểm soát dịch tả
Gavi đang triển khai các xét nghiệm nhanh tại 14 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, giúp xác định nhanh các khu vực cần can thiệp. Đồng thời, kế hoạch mở rộng sản xuất vaccine và khôi phục các chiến dịch tiêm phòng tại các khu vực có nguy cơ cao đang được đẩy mạnh.
Nhân viên Bộ Y tế Sudan đến thăm một điểm nóng dịch tả ở Juba. (Ảnh: The Guardian)
Tiến sĩ Jan Holmgren, người đã phát triển vaccine uống phòng dịch tả đầu tiên được WHO phê duyệt, cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt vaccine là "mối đe dọa nghiêm trọng nhất" đối với mục tiêu xóa sổ dịch tả vào năm 2030.
Do nguồn cung hạn chế, vào năm 2022, Nhóm Điều phối Quốc tế (ICG) đã quyết định cho phép uống một liều duy nhất thay vì hai liều như trước. Tuy nhiên, các nghiên cứu tại Bangladesh cho thấy liều đơn không có tác dụng bảo vệ trẻ dưới 5 tuổi, gây lo ngại về hiệu quả của chiến lược này./.