Sáng 24/3, giá vàng nhẫn được mỗi thương hiệu niêm yết một mức giá khác nhau.
Cụ thể, vào lúc 9h00, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 95,8 - 98,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Công ty SJC giữ nguyên giá niêm yết ở mức 94,4 - 97,4 triệu đồng/lượng, không có sự điều chỉnh so với phiên giao dịch cuối tuần. Công ty PNJ cũng duy trì mức giá 95,7 - 98,3 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, vàng nhẫn Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu vẫn duy trì đà tăng giá mạnh mẽ, hiện được giao dịch ở mức 96,1 - 98,6 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, vàng nhẫn đã tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây là tuần thứ ba liên tiếp vàng nhẫn trong nước tăng giá, trái ngược với xu hướng điều chỉnh giảm của vàng miếng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng kết thúc tuần ở mức 3.024 USD/ounce, giảm hơn 30 USD so với mức kỷ lục 3.057 USD/ounce đạt được vào ngày 20/3. Dù vậy, tính chung cả tuần, kim loại quý này vẫn ghi nhận mức tăng gần 40 USD, tương đương 1,3%, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới quay đầu giảm vào cuối tuần chủ yếu xuất phát từ sự phục hồi của đồng USD và áp lực chốt lời từ giới đầu tư. Chỉ số Dollar Index, đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt, đã tăng gần 0,3% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt ở mức 104,15 điểm. Điều này khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Bên cạnh đó, sau khi giá vàng chạm mức kỷ lục trong tuần, nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lời, tạo áp lực giảm giá trong hai phiên giao dịch cuối tuần.
Mặc dù giá vàng có sự điều chỉnh, nhưng nhìn chung, kim loại quý này vẫn đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố quan trọng. Theo các chuyên gia nhận định, từ đầu năm đến nay, giá vàng đã lập kỷ lục 16 lần nhờ vào nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng.
Những diễn biến khó lường từ chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lo ngại về đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ, cũng như xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu đã góp phần thúc đẩy giá vàng. Trong thời gian tới, nhu cầu tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn được dự báo sẽ tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá vàng trên thị trường quốc tế./.