Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính tổ chức chiều 2/7, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân và Kinh tế tập thể cho biết, trong tháng 6/2025, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong một tháng cao mức kỷ lục với hơn 24.000 doanh nghiệp.
Cụ thể, trong tháng 6/2025, cả nước có 24.422 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, gấp 3,7 lần mức bình quân giai đoạn 2011–2015; gấp 2,3 lần giai đoạn 2016–2020 và gấp 2 lần so với giai đoạn 2021–2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, hơn 91.000 doanh nghiệp được thành lập trên toàn quốc, phản ánh rõ nét làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Đáng chú ý, trong tháng 6, có hơn 14.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng khoảng 91% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường đạt 61.000 đơn vị, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm 2024.
“Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui. Như vậy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế được củng cố mạnh mẽ”, Phó Cục trưởng Trịnh Thị Hương nhấn mạnh.
Đáng chú ý, số hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới trong tháng 6/2025 tăng gấp 2,4 lần so với mức bình quân tháng của 2–3 năm gần đây. Vốn bổ sung từ các doanh nghiệp đang hoạt động cũng ghi nhận mức tăng trên 170% so với cùng kỳ năm 2024 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư – kinh doanh đang ngày càng được củng cố, đồng thời phản ánh những tín hiệu tích cực về cơ hội và tiềm năng thị trường.
Những kết quả ấn tượng này là minh chứng rõ nét cho việc chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nền tảng vững chắc để cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh xu thế phát triển bền vững đang trở thành định hướng chủ đạo, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính. Bộ sẽ chủ động tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận thị trường đúng theo quy định pháp luật.
Đồng thời, Bộ sẽ kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính đối với các dự án và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tham vấn đối tượng chịu tác động sẽ tiếp tục được nâng cao chất lượng, thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những thủ tục gây cản trở cho doanh nghiệp và đời sống người dân sẽ được rà soát, loại bỏ ngay trong phạm vi thẩm quyền, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình phát triển, Bộ Tài chính cũng đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp sẽ được khuyến khích tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ…
Các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời gian tới gồm: bán buôn, bán lẻ; công nghiệp chế biến – chế tạo; du lịch và logistics – những ngành có khả năng tạo đột phá về giá trị gia tăng và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.