Kinh tế Mỹ suy giảm quý đầu năm: Cảnh báo từ hệ quả thuế quan

Hoa Nguyễn (t/h) - Thứ sáu, ngày 30/05/2025 14:00 GMT+7

GDP của Mỹ trong quý I/2025 giảm 0,2%, đánh dấu lần đầu tiên nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng âm kể từ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ làn sóng nhập khẩu đột biến do lo ngại trước chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump.

Kinh tế Mỹ suy giảm quý đầu năm: Cảnh báo từ hệ quả thuế quan
Ảnh minh hoạ

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 0,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2025. Con số này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với ước tính trước đó và là một bước lùi đáng kể so với mức tăng trưởng 2,4% ghi nhận trong quý IV/2024. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2022 kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm theo quý.

Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm được cho là đến từ đợt tăng mạnh nhập khẩu hàng hóa, diễn ra trước khi chính sách thuế quan toàn diện của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực. Các doanh nghiệp Mỹ đã đẩy mạnh tích trữ nguyên vật liệu và hàng hóa để tránh ảnh hưởng của các mức thuế mới được áp dụng với phần lớn đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Thương mại cũng chỉ ra các yếu tố khác góp phần vào sự sụt giảm GDP, bao gồm sự chững lại trong chi tiêu tiêu dùng – vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ, cùng với việc chính phủ cắt giảm ngân sách ở một số lĩnh vực. Những diễn biến này phản ánh rõ nét áp lực mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt trong bối cảnh chính sách thương mại ngày càng bảo hộ hơn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng sự sụt giảm trong quý I chưa phải là dấu hiệu cho thấy cả năm 2025 sẽ suy giảm, bởi làn sóng nhập khẩu bất thường do hiệu ứng thuế quan có khả năng sẽ không lặp lại trong các quý tiếp theo. GDP có thể phục hồi nếu các yếu tố khác như đầu tư doanh nghiệp, tiêu dùng cá nhân và chi tiêu chính phủ được cải thiện.

Dù vậy, một báo cáo khác từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày lại cho thấy bức tranh không mấy lạc quan về sức khỏe doanh nghiệp. Theo đó, lợi nhuận của các công ty Mỹ đã giảm mạnh trong quý đầu năm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị siết chặt do chi phí gia tăng và bất ổn chính sách. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất sau khi điều chỉnh hàng tồn kho và khấu hao tài sản đã giảm tới 118,1 tỷ USD trong quý I/2025.

BEA cũng cảnh báo rằng chính sách thuế nhập khẩu toàn diện của Tổng thống Trump đang gây sức ép lớn lên triển vọng kinh doanh. Không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất, các mức thuế mới còn đe dọa làm chậm tốc độ mở rộng quy mô của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến thị trường lao động và gây ra biến động mạnh trên thị trường tài chính. Tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư theo đó cũng trở nên thận trọng hơn, đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Mỹ trong giai đoạn còn lại của năm./.

Bài liên quan
Giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến sâu là giải pháp để ngành hàng này cán mốc mục tiêu 7 tỷ USD cả năm 2025.
Giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến sâu là giải pháp để ngành hàng này cán mốc mục tiêu 7 tỷ USD cả năm 2025.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp gửi thư thông báo mức thuế mới cho hơn 150 nền kinh tế, nhắm tới các nước nhỏ ít giao thương và chưa có thỏa thuận với Mỹ.
30/05/2025
Sự hiện diện của ô tô, xe máy điện “phủ kín” khắp đường phố không chỉ đưa quốc gia tỷ dân hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, mà còn là biểu tượng cho sự đổi mới, độc lập và sức mạnh công nghiệp trong thế kỷ 21.
30/05/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại với Indonesia.
30/05/2025
Quyết định của Mỹ không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho Mexico, đe dọa sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân mà còn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng nông sản giữa hai nước.
30/05/2025
Tin mới