VTV.vn - Nhiều lĩnh vực trọng điểm như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và đầu tư nước ngoài ghi nhận tín hiệu tích cực.
Tính đến hết quý III, chỉ số Quản trị nhà mua hàng (PMI) đã ghi nhận 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng mở rộng, còn chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận giá trị tăng thêm 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm, thu về gần 580 tỷ USD.
Theo các tổ chức quốc tế, việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giúp củng cố các động lực xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư tư nhân. Cùng với đó, cần thúc đẩy các động lực mới như trí tuệ nhân tạo, số hoá, kinh tế xanh. Đây sẽ là những lĩnh vực tạo ra dư địa cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: "Triển vọng nhất lúc này là động lực xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài cải thiện cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia. Đây là yếu tố rất quan trọng chi phối đối sản xuất công nghiệp, đầu tư thời gian tới".
"Ngân hàng Nhà nước đang duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt cân bằng giữa việc vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát. Điều quan trọng là tạo ra tác động song hành của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng chung của nền kinh tế", ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!