Giá năng lượng giảm, đồng euro mạnh lên và nguồn cung hàng hóa dư thừa đang tạo ra những yếu tố có thể giúp lạm phát tại châu Âu hạ nhiệt, mở ra cơ hội cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất sâu hơn trong năm nay.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một loạt thuế quan mới vào ngày 2/4, thế giới đã lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng lên. Tuy nhiên, chỉ ba tuần sau, nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách nhận ra rằng thuế quan của Mỹ có thể không làm lạm phát gia tăng, mà ngược lại, chúng có thể là một yếu tố kéo giảm lạm phát tại châu Âu.
Trong bối cảnh đó, các mức thuế mới có thể tạo ra các lực kéo giúp giảm lãi suất, điều này thúc đẩy ECB cân nhắc việc cắt giảm lãi suất mạnh hơn. Mới đây, Hội đồng Thống đốc ECB đã đồng thuận cắt giảm lãi suất tiền gửi thêm 25 điểm cơ bản, xuống còn 2,25%, và Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, việc giảm tới 50 điểm cơ bản cũng đã được thảo luận.
Giá dầu đã giảm hơn 15% kể từ đầu tháng Tư, trong khi giá khí đốt tự nhiên chuẩn TTF của Hà Lan giảm hơn 22%. Sự giảm giá của năng lượng phản ánh lo ngại về sự chậm lại của tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt nếu thuế quan của Mỹ làm suy giảm dòng chảy thương mại và giảm niềm tin vào nền kinh tế.
Song song với đó, đồng euro đã mạnh lên so với đồng USD, giúp giảm áp lực từ lạm phát nhập khẩu. Một yếu tố quan trọng khác là sự phân phối lại hàng hóa toàn cầu. Nhà kinh tế Giovanni Pierdomenico của Goldman Sachs ước tính rằng thuế quan của Mỹ sẽ tạo ra khoảng 300 tỷ USD (tương đương 280 tỷ euro) lượng hàng hóa dư thừa toàn cầu, một phần trong số đó có thể được chuyển hướng sang châu Âu.
Các số liệu trong quá khứ cho thấy khoảng 15% lượng hàng hóa dư thừa sẽ chảy vào khu vực đồng euro, làm tăng nguồn cung hàng hóa lên 1,5-2%. Điều này có thể kéo giảm 1,5% giá của hàng hóa cốt lõi và 0,5% chỉ số HICP cốt lõi, giúp giảm lạm phát ở khu vực này.
Với áp lực lạm phát đang suy yếu, các thị trường tài chính hiện nay đang đặt cược vào khả năng ECB sẽ thực hiện thêm các đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ngân hàng Bank of America dự báo lãi suất tiền gửi của ECB có thể giảm xuống 1,25% vào tháng 12, do tăng trưởng yếu và lạm phát thấp. Ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng euro xuống 0,8% cho năm 2025 và 1,0% cho năm 2026, vì những bất ổn liên quan đến thuế quan, sự mạnh lên của đồng euro và nhu cầu toàn cầu suy giảm.
Đức, nền kinh tế xuất khẩu lớn của châu Âu và dễ tổn thương trước các thuế quan nhắm vào ngành ô tô, có thể đối mặt với sự suy giảm 0,1% trong năm 2025. Pháp và Ý dự báo chỉ tăng trưởng lần lượt 0,4% và 0,7%.
Một yếu tố quan trọng khác đang hỗ trợ việc giảm lạm phát là sự giảm tốc của tăng trưởng tiền lương. Chỉ số theo dõi tiền lương của Indeed đã giảm xuống còn 2,7% trong quý I, mức thấp nhất kể từ đại dịch. Điều này càng củng cố khả năng ECB sẽ phải cắt giảm lãi suất về mức 1,5% vào tháng 9 tới.
Mặc dù các điều kiện kinh tế tại châu Âu đang có tín hiệu tích cực, nhưng rủi ro suy thoái từ Mỹ vẫn rất lớn. Nhà kinh tế Alexandre Stott của Goldman Sachs cho biết các chu kỳ suy thoái trước đây thường khiến hầu hết các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái trong vòng ba quý sau khi Mỹ gặp khó khăn. Goldman Sachs đã dự báo một sự suy giảm nhẹ cho Đức, Ý và Thụy Sĩ trong quý III năm nay.
Mặc dù tác động đầy đủ của thuế quan từ Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng, nhưng phản ứng ban đầu từ thị trường và chính sách cho thấy những lo ngại về lạm phát có thể đã bị thổi phồng. Thay vào đó, sự giảm giá hàng hóa, nhu cầu yếu đi và sự phân bổ lại nguồn cung toàn cầu đang tạo ra một môi trường giảm phát, có thể khiến ECB phải đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới./.