Luật số 68 - “Chiếc áo mới” của doanh nghiệp nhà nước

Ban Thời sự - Thứ năm, ngày 24/07/2025 19:10 GMT+7

Luật số 68 ra đời như một “chiếc áo mới” phù hợp hơn cho doanh nghiệp nhà nước - thoáng về cơ chế, rõ về trách nhiệm, mở lối tăng trưởng.

Luật số 68 - “Chiếc áo mới” của doanh nghiệp nhà nước
Từ ngày 1/8 tới đây, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hay còn gọi là Luật số 68 sẽ chính thức có hiệu lực. Ảnh minh họa.

Chủ sở hữu nhà nước là nhà đầu tư chuyên nghiệp

Từ ngày 1/8 tới đây, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hay còn gọi là Luật số 68 sẽ chính thức có hiệu lực. Luật số 68 đang được đánh giá là mang tính "đột phá" so với Luật số 69 năm 2014 trước đây. Bởi có nhiều quan điểm mới mang tính "cởi trói" cho doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy hiệu quả đầu tư và tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.

Hiện nay có 841 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, với tổng vốn Nhà nước đang đầu tư là 1 triệu 985 nghìn tỷ đồng. Lãi phát sinh trước thuế năm 2024 tăng 12% so với năm 2023. Nhiều ý kiến cho rằng các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân đó là các doanh nghiệp chưa được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Do đó, cần có cơ chế chính sách nhằm "cởi trói" giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước phát huy lợi thế.

Vì thế, Luật số 68 ra đời được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là mang tính "đột phá" so với Luật số 69 trước đây. Thể hiện nhất quán những tư tưởng của Nghị quyết số 12 của Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đúng chủ trương đổi mới trong xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", như Tổng bí thư Tô Lâm từng nói.

Điểm "đột phá" đầu tiên đó chính là tư tưởng Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư vốn chuyên nghiệp. Luật số 69 thì quy định Nhà nước sở hữu doanh nghiệp nhà nước, có thể can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp. Nhưng Luật số 68 thì quy định nhà nước chỉ là một nhà đầu tư, có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giống như các nhà đầu tư khác. Không quản lý trực tiếp pháp nhân doanh nghiệp, để doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết: "Nhà nước sẽ thực hiện vai trò chủ sở hữu của mình như cổ đông và các thành viên góp vốn khác, tương ứng với phần vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp. Những gì Nhà nước quan tâm chỉ là nội dung lớn như là bổ nhiệm nhân sự, quản lý công tác cán bộ, giao chỉ tiêu, giao kế hoạch. Theo nguyên tắc này thì rõ ràng Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp".

"Xuyên suốt của luật đó là Nhà nước không quản lý thực thể doanh nghiệp mà quản lý dòng tiền, không thực thể kinh doanh. Đầu tư vốn vào doanh nghiệp thì chúng ta giống như là đầu tư trên thị trường chứng khoán. Khi các anh chị bỏ tiền vào đầu tư là chúng ta mua cổ phần, tin tưởng vào quản trị của doanh nghiệp", ông Phạm Phan Dũng - nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dự trữ Nhà nước (trước đây) - cho hay.

Tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước

Điểm "đột phá" thứ 2 trong Luật số 68 đó là tăng phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Nếu như Luật số 69 cũ thì các doanh nghiệp có vốn nhà nước làm gì cũng phải báo cáo. Ví dụ như mở thêm một chi nhánh văn phòng, một dự án mới... cũng phải có văn bản xin ý kiến. Điều này khiến các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, cũng như cơ hội kinh doanh. Luật số 68 đã tăng cường phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, giảm hàng chục đầu mối doanh nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước linh hoạt, tăng tốc hơn trong các quyết định kinh doanh.

Giờ đây các doanh nghiệp có vốn nhà nước được quyền tự chủ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại Tập đoàn điện lực Việt Nam, theo Luật 69 cũ, trường hợp dự án đầu tư xây dựng có giá trị lớn hơn mức vốn của dự án nhóm B, thì phải xin phê duyệt đại diện cơ quan chủ sở vốn là Nhà nước. Nhưng Luật 68 mới đã bỏ khâu này. Đồng thời, Luật 68 mới cũng giao toàn quyền quyết định cho doanh nghiệp đối với phương án huy động vốn, cầm cố, thế chấp tài sản để huy động vốn. Rút ngắn được một khâu, sẽ giúp các dự án tới đây của doanh nghiệp được triển khai một cách nhanh chóng.

Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đánh giá: "Việc phân cấp này giải quyết được việc đầu tư nhanh, đúng chỉ đạo gấp, khẩn trương của Thủ tướng. Tới đây đường dây 500KV Vĩnh Yên thì Thủ tướng giao có 6 tháng. Với chỉ đạo về tiến độ thi công như vậy thì phân cấp của doanh nghiệp là rất quan trọng".

Luật số 68 cũng cho phép doanh nghiệp có vốn nhà nước, trích tối đa vào Quỹ Đầu tư phát triển doanh nghiệp từ 30% lên 50% lợi nhuận sau thuế, cho phép các công ty mẹ cho công ty con vay nội bộ. Điều này giúp tăng thêm tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty.

Ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - chia sẻ: "Đối với SCIC ngoài đầu tư vốn còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tái cơ cấu doanh nghiệp, qua các hoạt động cổ phần hóa, bán vốn, và hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn. Việc cho vay này là công cụ tốt, hữu hiệu, để có thể giúp doanh nghiệp hồi phục lại. Từ đó có thể thực hiện việc thoái vốn, cổ phần hóa".

Với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như vậy, các chuyên gia cho rằng khi Luật 68 có hiệu lực, sẽ tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những nút thắt, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp có vốn nhà nước. Khi Nhà nước không can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, không còn cơ chế "xin - cho", sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng được thời cơ, cơ hội kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá: "Thị trường tháng này khác, tháng sau khác, tuần này khác, tuần sau có thể khác, thậm chí ngày này khác, ngày sau khác, cho nên làm sao quyết định kinh doanh của doanh nghiệp phải nhanh. Nhà nước giới hạn quyền sở hữu của mình bình đẳng như chủ sở hữu khác thì mới huy động vốn được của xã hội vào".

Với 841 doanh nghiệp có vốn nhà nước, hiện nay đang đóng góp gần 30% tổng số thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước. Với nguồn lực to lớn như vậy, được thêm cơ chế tự chủ, linh hoạt giống như doanh nghiệp tư nhân, thì các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ trở thành "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho các khu vực kinh tế khác.

Doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tự quyết lương, thưởng

Điểm "đột phá" thứ 3 của Luật số 68 đó chính là doanh nghiệp có vốn nhà nước được tự quyết lương, thưởng, thù lao của người lao động, thay vì như trước đây là do Chính phủ quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng được trích tối đa 3 tháng lương để lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.

Một kỹ sư giỏi, chuyên gia giỏi thì các doanh nghiệp tư nhân có thể trả lương tới cả hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nhưng doanh nghiệp nhà nước lại chỉ có thể trả khoảng chục triệu đồng, thì rất khó thu hút được nhân tài. Vì vậy, với chính sách mới từ Luật số 68, các doanh nghiệp hy vọng, sẽ là động lực để họ có thể nâng cao tính cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối canh chuyển đổi số hiện nay.

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - cho biết: "Vietnam Airlines hoàn toàn có thể đi thuê các chuyên gia có năng lực trình độ từ nước ngoài, hoặc các phi công dày dặn kinh nghiệm ở nước ngoài, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Chúng tôi có nguồn quỹ tiền lương cho Hội đồng quản trị tự quyết định để làm được việc này, trước thì rất khó khăn để mà thu hút được các chuyên gia đầu ngành".

"Giao toàn bộ chủ động cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay chuyển đổi số, làm công nghệ thông tin thì mức đãi ngộ tốt mới thu hút được nhân tài", ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - chia sẻ.

tien-73790985312375062106628.webp

Theo Luật số 68, doanh nghiệp có vốn nhà nước được tự quyết lương, thưởng, thù lao của người lao động. Ảnh minh họa.

Riêng đối với chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước và kiểm soát viên tại doanh nghiệp thì vẫn do Chính phủ quy định. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước.

Có 7 mức lương được đề xuất, trong đó tùy theo tình hình hiệu quả sản xuất, kinh doanh và quy mô của doanh nghiêp, Chủ tịch doanh nghiệp có thể có mức lương từ 160 đến 320 triệu đồng/tháng. Với doanh nghiệp lỗ không có lợi nhuận thì mức lương tối đa bằng 50% - 80% mức lương cơ bản như quy định tại Nghị định số 44 của Chính phủ.

Giám sát, hậu kiểm dòng vốn đầu tư của Nhà nước

Với những điểm "đột phá" ở trên, Luật 68 đã khá thông thoáng, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nhưng để các doanh nghiệp đi đúng hướng, không làm thất thoát thì ngoài sự năng động của mỗi doanh nghiệp, cũng rất cần có các biện pháp hậu kiểm, để dòng vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết: "Luật số 68 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn theo kết quả hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Hàng năm, cơ quan đại diện sở hữu còn đánh giá xếp loại doanh nghiệp và người đại diện. Kết quả xếp loại đó là cơ sở để làm công tác khen thưởng, kỷ luật hoặc là bổ nhiệm, bổ nhiệm lại".

Luật số 68 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo 3 Nghị định quy định chi tiết Luật. Sau 11 năm thực hiện Luật số 69, giờ đây, doanh nghiệp có vốn nhà nước đã sẵn sàng khoác lên mình một tấm áo mới rộng rãi hơn thay cho tấm áo cũ đã chật, để họ chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tạo đà đột phá phát triển, xứng đáng là "quả đấm thép" của nền kinh tế.

Bài liên quan
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế cao hơn với quốc gia không mở cửa thị trường, trong khi tiếp tục đàm phán các thỏa thuận thương mại như với Nhật Bản và EU.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế cao hơn với quốc gia không mở cửa thị trường, trong khi tiếp tục đàm phán các thỏa thuận thương mại như với Nhật Bản và EU.
EU thông qua gói thuế trả đũa 93 tỷ Euro với hàng hóa Mỹ, dự kiến áp dụng từ 7/8 nếu đàm phán thương mại với Washington không đạt kết quả.
24/07/2025
Từ 5/9, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả sẽ không cần thẩm định, chấp thuận chủ trương từ Bộ Tài chính.
24/07/2025
Ngày 23/7, chính phủ Brazil đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Brazil và nhiều quốc gia khác, đồng thời chỉ trích đây là hành động “tùy tiện”, “hỗn loạn” và “vi phạm nghiêm trọng” các nguyên tắc thương mại toàn cầu.
24/07/2025
Ngày 22/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả.
24/07/2025
Tin mới