Ngày 3/5, Meta tuyên bố sẽ phản đối án phạt của Nigeria đối với nhiều hành vi vi phạm dữ liệu người tiêu dùng, đồng thời ẩn ý đe dọa dừng hoạt động của hai nền tảng Facebook và Instagram tại quốc gia đông dân nhất châu Phi này.
Tuần trước, một tòa án Nigeria đã bác bỏ đơn kháng cáo của "gã khổng lồ" truyền thông xã hội Mỹ đối với khoản tiền phạt 220 triệu USD do Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Nigeria (FCCPC) áp dụng.
Các cuộc điều tra được thực hiện từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2023 đã vạch trần “các hành vi xâm phạm đối với chủ thể dữ liệu/người tiêu dùng tại Nigeria". Nigeria đã cáo buộc Meta vi phạm luật bảo vệ dữ liệu và quyền của người tiêu dùng của quốc gia này trên Facebook và WhatsApp.
Một phát ngôn viên của Meta cho biết: "Chúng tôi không đồng tình với quyết định xử phạt, vì quyết định này không tính đến nhiều cài đặt và công cụ cho phép mọi người sử dụng Facebook và Instagram tại Nigeria kiểm soát cách thông tin của họ được sử dụng. Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và đã kháng cáo quyết định này".
Cùng ngày 3/5, FCCPC mô tả phản ứng của Meta là "một động thái được tính toán nhằm gây ra phản ứng tiêu cực của công chúng và có khả năng gây sức ép buộc FCCPC phải xem xét lại quyết định của mình".
FCCPC có giải thích thêm rằng, Meta đã bị phạt vì "những vi phạm tương tự" ở bang Texas (Mỹ), Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp và Australia, nhưng "chưa bao giờ dùng đến biện pháp tống tiền đe dọa rời khỏi các quốc gia đó.
Theo số liệu được công bố trên trang web của Ủy ban Truyền thông Quốc gia Nigeria, tính đến tháng 3/2025, nước này có khoảng 164,3 triệu thuê bao internet. Các nền tảng truyền thông xã hội của Meta, bao gồm WhatsApp, Facebook và Instagram, nằm trong số những nền tảng phổ biến nhất tại quốc gia này./.