"Mùa Đông kinh tế" năm 2025

Mỹ Hoa - Thứ năm, ngày 01/05/2025 17:20 GMT+7

Trong tháng 4/2025, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những cú sốc bất ổn nghiêm trọng bắt nguồn từ chính sách thuế quan cứng rắn của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Giới chuyên gia gọi đây là “Mùa Đông kinh tế” năm 2025 khi mọi hoạt động, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

"Mùa Đông kinh tế" năm 2025
Thị trường toàn cầu bị chững lại.

Chính sách thương mại của Mỹ đã trở thành tâm điểm tại Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra từ ngày 22/4 đến 26/4 tại Washington. Tại đây, các bộ trưởng tài chính và thương mại thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi Mỹ làm rõ định hướng chính sách thương mại. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc càng làm gia tăng bất ổn toàn cầu, trong khi các biện pháp áp thuế trả đũa khiến thương mại song phương gần như “đóng băng”.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2025, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm còn 2,8% trong năm nay, so với mức 3,3% của năm 2024, chủ yếu do tác động từ thuế quan của Mỹ. Tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được dự báo giảm từ 2,8% xuống còn 1,8%, trong khi Trung Quốc và Nga có thể đạt mức tăng lần lượt là 4,5% và 1,7%.

IMF cũng nhấn mạnh rằng những tuyên bố trái chiều về áp thuế và hoãn thuế của ông Trump đã làm gia tăng rủi ro tài chính, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh, đe dọa hoạt động kinh tế.

Ngân hàng Thế giới, trong một báo cáo tại Hội nghị, cảnh báo về làn sóng nợ đang gia tăng tại các thị trường mới nổi, khi thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm rõ rệt.

Một mối lo khác là nguy cơ suy giảm niềm tin vào đồng USD với vai trò là “tài sản trú ẩn an toàn”. Báo cáo của IMF cảnh báo làn sóng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ sau những tuyên bố áp thuế của ông Trump đã đặt ra dấu hỏi lớn về vị thế thống trị toàn cầu của USD.

Trong tháng 4/2025, các thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến áp lực mạnh với tình trạng bán tháo diễn ra trên cả thị trường trái phiếu, cổ phiếu và USD. Ông Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Citi, nhận định phản ứng tiêu cực từ thị trường có thể buộc Chính phủ Mỹ phải điều chỉnh lại chiến lược thuế quan.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế toàn cầu vẫn le lói một vài tín hiệu tích cực trong tháng 4/2025. Việc Trung Quốc miễn thuế cho một số mặt hàng của Mỹ, cùng phát biểu của ông Bessent rằng mức thuế cao áp với hàng Trung Quốc “sẽ không kéo dài”, đã mang lại hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhìn về triển vọng cả năm 2025, nền kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm và đối mặt với bất ổn tài chính. Cả IMF và WB đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương và các cuộc đàm phán thương mại minh bạch trong việc giảm thiểu rủi ro./.

Bài liên quan
Giá nhà ở tại Vương quốc Anh đã giảm 0,6% trong tháng 4/2025, xuống trung bình 270.752 bảng (361.500 USD) mỗi căn, mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 8/2023.
Giá nhà ở tại Vương quốc Anh đã giảm 0,6% trong tháng 4/2025, xuống trung bình 270.752 bảng (361.500 USD) mỗi căn, mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 8/2023.
Trước áp lực từ các mức thuế quan mới của Mỹ, hoạt động xuất khẩu nông sản của Mỹ, đặc biệt là đậu tương và thịt lợn sang một số tỉnh của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng. Khó khăn này lại chính là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu nông sản khác như Brazil, Argentina.
01/05/2025
Dự kiến ngày mai 1/5, đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam sẽ sang Mỹ và làm việc với các cơ quan liên quan của nước này về đàm phán thương mại song phương.
01/05/2025
Trong khi giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại tăng 2 điểm % theo năm, tỷ lệ lấp đầy đạt 94% thì cửa hàng, nhà mặt phố tại TP.HCM vẫn chưa phục hồi từ sau dịch Covid-19, giá thuê hiện đang thấp hơn 10-20% so với giai đoạn 2019.
01/05/2025
Quý I năm nay, vốn đầu tư từ Nhật Bản tăng trên 20%. Đây là tín hiệu tích cực cho giai đoạn hợp tác mới.
01/05/2025
Tin mới