Ngành tôm Việt Nam đạt được nhiều bước tiến trong hành trình xanh hóa

Mỹ Hoa - Thứ năm, ngày 17/04/2025 08:59 GMT+7

Nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và các yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững, ngành hàng tôm Việt Nam đang đứng trước những áp lực không nhỏ nhưng cũng là cơ hội lớn để chuyển đổi theo hướng phát triển xanh.

Ngành tôm Việt Nam đạt được nhiều bước tiến trong hành trình xanh hóa
Những con tôm nuôi thuận thiên đạt chất lượng ở ấp 6, xã Lương Nghĩa tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Năm 2024, sản lượng tôm cả nước đạt 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023 và giúp mang về kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỉ USD, tăng mạnh so với năm trước. Nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi, tôm Việt Nam đã trở thành một trong những mặt hàng chủ lực, đưa Việt Nam vươn lên nhóm các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 13-14% giá trị xuất khẩu toàn cầu.

Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch đạt hơn 10 tỉ USD. Trong đó, ngành tôm có vai trò quan trọng cho xuất khẩu thủy sản suốt 2 thập kỷ qua và góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ khá lớn. Những năm qua, con tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tới hơn 100 quốc gia; trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada.

Mặc dù ngành tôm Việt Nam đang giữ vững vị thế tại nhiều thị trường và tiếp tục có những dự báo khả quan trong năm 2025, nhưng tôm Việt cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất cao, dịch bệnh, cạnh tranh gay gắt từ các nước như Ecuador và Ấn Độ, biến động địa chính trị bất ổn làm thị trường xáo trộn, cùng với yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường.

Để bứt phá hơn nữa trong tương lai, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong khâu nuôi, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Các công nghệ hiện đại như Biofloc, Micro-Nano Bubble Oxygen, hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) và quy trình nuôi ba giai đoạn đã được áp dụng nhằm giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ngành tôm nước ta cần chú ý chọn lọc và cải thiện di truyền tôm nội địa để giảm phụ thuộc vào giống tôm nhập khẩu. Áp dụng mô hình nuôi bền vững, kết hợp với các giải pháp sinh học để duy trì chất lượng nước và sức khỏe tôm.

Đáng chú ý là việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm cũng đang trở thành xu hướng quan trọng. Các chế phẩm này giúp xử lý môi trường nước, tăng cường hệ miễn dịch cho tôm, đồng thời ức chế các vi khuẩn gây bệnh. 

Mục tiêu đến năm 2030, ngành chế biến tôm sẽ tái sử dụng 100% phụ phẩm từ sản xuất như vỏ tôm, râu tôm, nước thải, bùn thải để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng như Chitin và Chitosan. Ở góc độ quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học từ các quốc gia có ngành tôm phát triển bền vững, đặc biệt là Ecuador, quốc gia đã vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu tôm nhờ sản lượng lớn và sự tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc và Mỹ./.

Bài liên quan
Trong khi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn tương đối ổn định bất chấp những trở ngại thương mại từ Mỹ, thì áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là xương sống của nền công nghiệp và việc làm của Hàn Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong khi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn tương đối ổn định bất chấp những trở ngại thương mại từ Mỹ, thì áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là xương sống của nền công nghiệp và việc làm của Hàn Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Công ty năng lượng Na Uy Equinor cho biết Mỹ đã ra lệnh dừng xây dựng dự án trang trại gió ngoài khơi bờ biển New York, với lý do các phân tích môi trường của chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden là chưa đầy đủ.
17/04/2025
Dù đã tham gia 20 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đã có hiệu lực, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc khai thác hiệu quả lợi ích từ các hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu.
17/04/2025
Với thuế đối ứng, kinh tế Việt Nam đối diện thách thức lớn. Song, “trong nguy có cơ”, đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế tự chủ.
17/04/2025
“Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bất chấp những khó khăn từ áp lực thuế quan.
17/04/2025
Tin mới