Ngủ ít, ngủ nông có thể đẩy nhanh quá trình mất trí nhớ

Thục Khuê (t/h) - Chủ nhật, ngày 13/04/2025 00:00 GMT+7

Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo rằng giấc ngủ không chất lượng - bao gồm ngủ ít hoặc ngủ không sâu - có thể thúc đẩy sự thoái hóa não bộ, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức sớm hơn so với bình thường.

Ngủ ít, ngủ nông có thể đẩy nhanh quá trình mất trí nhớ
Việc thiếu ngủ, ngủ nông có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (Ảnh: Freepik)

Việc ngủ ít hoặc giấc ngủ không sâu – tình trạng phổ biến ở người hiện đại – đang được các nhà khoa học Mỹ xác định là một trong những yếu tố then chốt làm suy giảm chức năng của não bộ. Theo nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi tiến sĩ Gawon Cho, chuyên ngành nội khoa tại Trường Y Yale ở bang Connecticut (Mỹ), giấc ngủ chất lượng thấp có thể dẫn đến sự thu hẹp của một phần não quan trọng – vùng đỉnh dưới – vốn có liên quan đến chức năng ghi nhớ và nhận thức.

“Chúng tôi phát hiện thấy thể tích của vùng đỉnh dưới bị thu hẹp ở những người ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không sâu",  Tiến sĩ Cho nhấn mạnh. Đây là dấu hiệu sớm cho thấy sự suy giảm chức năng não và có thể tiến triển thành các bệnh lý nghiêm trọng như chứng mất trí nhớ hoặc Alzheimer.

Trong giai đoạn ngủ sâu, não bộ có nhiệm vụ dọn dẹp độc tố, tế bào chết và đồng thời thực hiện các cơ chế tự phục hồi tế bào thần kinh, chuẩn bị cho hoạt động vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, nếu ngủ không sâu hoặc chập chờn, não lại phải bận rộn với việc xử lý cảm xúc, củng cố ký ức và tiếp thu thông tin mới, từ đó không thể thực hiện tốt quá trình làm sạch và tái tạo.

Các chuyên gia thần kinh khuyến nghị người lớn cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm – không chỉ đủ thời lượng mà còn cần ngủ sâu – để bảo vệ sức khỏe não bộ. Với trẻ em và thanh thiếu niên, thời gian ngủ lý tưởng là từ 8 đến 10 tiếng. Thế nhưng, dữ liệu khảo sát cho thấy hiện nay có hơn 1/3 người trưởng thành không đáp ứng được mức ngủ tối thiểu này, làm gia tăng nguy cơ các rối loạn về thần kinh trong dài hạn.

13042025-giac-ngu-kem-29293025603772717503072.png

Người lớn cần ngủ 7 - 8 giờ/ngày, trong khi thanh thiếu niên và trẻ nhỏ cần ngủ từ 8 - 10 giờ (Ảnh Getty)

Không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 2/2023 tại Mỹ còn chỉ ra rằng những người duy trì thói quen ngủ tốt có thể kéo dài tuổi thọ – lên đến 5 năm với nam giới và gần 3 năm đối với phụ nữ. Điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa chất lượng giấc ngủ và khả năng sống khỏe, sống thọ.

Để cải thiện giấc ngủ, Tiến sĩ Gawon Cho đưa ra lời khuyên cần tạo ra một môi trường ngủ lý tưởng: không gian yên tĩnh, thông thoáng, ít ánh sáng và tránh sử dụng rượu trước khi đi ngủ. Các hoạt động nhẹ nhàng như thiền, đi bộ, yoga, tắm nước ấm… có thể giúp cơ thể thư giãn, tạo điều kiện cho giấc ngủ đến tự nhiên hơn. “Không có loại thuốc nào thực sự cải thiện được giấc ngủ như một giấc ngủ đến từ việc thư giãn và chuẩn bị tốt. Thuốc ngủ thường chỉ mang tính chất tạm thời và thậm chí có thể gây nghiện nếu lạm dụng", Tiến sĩ Cho nói.

Ngoài ra, một yếu tố ít được để ý nhưng cũng đáng cảnh báo là việc ngủ quá nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, thói quen ngủ quá 9 tiếng mỗi đêm hoặc ngủ nhiều lần trong ngày có thể là biểu hiện của một giấc ngủ kém chất lượng, hoặc là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiều vấn đề sức khỏe. Trong những trường hợp như vậy, nguy cơ mắc chứng Alzheimer vẫn hiện hữu và có thể gia tăng vì lý do tương tự như giấc ngủ kém – đó là não không được phục hồi đúng cách.

Cần lưu ý rằng nhu cầu ngủ nhiều hơn bình thường có thể phản ánh các rối loạn về tâm thần hoặc thể chất. Những người bị trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim mạch… thường có xu hướng ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi. Đồng thời, các yếu tố như cô lập xã hội, lối sống ít vận động cũng là những tác nhân thúc đẩy nguy cơ suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ sớm.

Với bức tranh khoa học ngày càng rõ nét về vai trò của giấc ngủ trong việc bảo vệ trí nhớ và ngăn ngừa thoái hóa não, các chuyên gia kêu gọi mọi người cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ưu tiên giấc ngủ chất lượng như một phần thiết yếu của lối sống lành mạnh./.

Bài liên quan
Tóc bạc không chỉ là dấu hiệu của tuổi già mà còn có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác như di truyền, rối loạn nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng hay căng thẳng kéo dài. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn có biện pháp chăm sóc phù hợp để giữ mái tóc luôn khỏe mạnh và tươi trẻ.
Tóc bạc không chỉ là dấu hiệu của tuổi già mà còn có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác như di truyền, rối loạn nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng hay căng thẳng kéo dài. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn có biện pháp chăm sóc phù hợp để giữ mái tóc luôn khỏe mạnh và tươi trẻ.
Chính quyền một số nước tại châu Âu đã tiêu hủy hàng nghìn con gia súc, đóng cửa biên giới trên diện rộng nhằm nỗ lực ngăn chặn dịch lở mồm long móng bùng phát.
13/04/2025
Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc đã phát hiện ra cơ chế "trục ruột-khớp" chưa từng được biết đến trước đây, là yếu tố thúc đẩy bệnh thoái hóa khớp.
13/04/2025
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái vừa thực hiện giám sát và báo cáo ca bệnh viêm màng não nghi do não mô cầu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
13/04/2025
Các trường THPT công lập trên địa bàn TP tăng khoảng 5.000 chỉ tiêu so với năm học trước, bao gồm cả trường công lập không chuyên và trường chuyên.
13/04/2025
Tin mới