Nhà cung cấp cho Toyota, Nissan, Ford "hứng" đòn thuế quan

VTV Times - Thứ bảy, ngày 24/05/2025 14:43 GMT+7

Các công ty xuất khẩu linh kiện ô tô sang Mỹ đang lo ngại một số nhà sản xuất ô tô sẽ buộc nhà cung cấp phải giảm giá để bù đắp thuế quan.

Nhà cung cấp cho Toyota, Nissan, Ford "hứng" đòn thuế quan
Toyota, Nissan, Ford chịu ảnh hưởng mạnh từ thuế quan của Mỹ. (Ảnh: THX)

Bốn thập kỷ trước, cha của bà Hiroko Suzuki, chủ sở hữu của Kyowa Industrial đã lèo lái công ty của gia đình họ tránh được cuộc chiến thương mại của Mỹ bằng cách phát triển mảng phụ tùng ô tô hướng tới các sản phẩm ngách mới hơn.

Tuy nhiên, thuế quan mới do chính quyền ông Trump áp đặt có phạm vi rộng đến mức có thể đe dọa tới nỗ lực đa dạng hóa công ty 78 năm tuổi này sang mảng thiết bị y tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã gọi thuế quan của Mỹ, bao gồm mức thuế 25% đối với ô tô, là "cuộc khủng hoảng quốc gia" đối với nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này. Chuyên gia đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản, Ryosei Akazawa vừa đến Washington để tham gia vòng đàm phán thứ ba.

Nỗi lo lắng hiện rõ hơn ở các công ty như Kyowa Industrial - nhà sản xuất phụ tùng mẫu và linh kiện xe đua có trụ sở tại Takasaki, phía bắc Tokyo. Kyowa là một trong 6 nhà cung cấp cho ngành ô tô nói với Reuters rằng họ lo ngại về khả năng chống chịu trước thuế quan mới của Mỹ đối với ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản.

Những vấn đề mà Kyowa và các nhà cung cấp khác đang phải đối mặt cho thấy một sự thay đổi kéo dài hàng thập kỷ qua ở Nhật Bản. Không còn là nguồn cung chip và đồ điện tử tiêu dùng lớn của thế giới nữa, Nhật Bản giờ phụ thuộc vào ngành công nghiệp ô tô vốn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.

Kyowa bắt đầu phát triển các dụng cụ phẫu thuật thần kinh vào năm 2016 sau khi bà Suzuki, hiện 65 tuổi, nhận ra rằng sự gia tăng của xe điện cuối cùng sẽ làm giảm nhu cầu về các bộ phận động cơ. Công ty bắt đầu bán các dụng cụ này sang Mỹ vào năm ngoái, song thuế quan mới của ông Trump giờ đây cũng áp dụng cho các thiết bị y tế.

Kyowa không xuất khẩu linh kiện ô tô sang Mỹ, nhưng bà Suzuki lo ngại các nhà sản xuất ô tô sẽ buộc nhà cung cấp phải giảm giá để bù đắp thuế quan.

Một nhà cung cấp của Subaru Corp cho biết, công ty của ông có thể phải bắt đầu tìm kiếm các đối tác bên ngoài Mỹ. Một số nhà cung cấp của Toyota thậm chí không đưa ra dự báo thu nhập cho năm tới, với lý do là không chắc chắn về thị trường.

Các nhà cung cấp cho ngành ô tô này sẽ phải hợp nhất

Các nhà sản xuất ô tô lớn phần lớn đã hỗ trợ mờ nhạt cho các nhà cung cấp kể từ khi ông Trump công bố thuế quan. Tháng trước, Toyota, Nissan và Ford đã gửi thư tới các chi nhánh tại Mỹ của một số nhà cung cấp Nhật Bản yêu cầu hợp tác đối mặt với thuế quan.

Nissan nói với các nhà cung cấp rằng họ nên tuân thủ mức giá đã thỏa thuận trước đó. Hãng cho biết họ 'không có nghĩa vụ' phải gánh chịu chi phí thuế quan nhưng sẽ chia sẻ một phần tác động trong tối đa bốn tuần để giúp đảm bảo chuỗi cung ứng của mình. Đồng thời nói thêm rằng họ có thể tìm cách thu hồi bất kỳ khoản hỗ trợ nào đã thanh toán cho các nhà cung cấp sau này.

Nissan nói với Reuters rằng họ đang làm việc với các nhà cung cấp để giảm thiểu tác động thuế quan và kiểm soát chi phí, bao gồm thông qua nội địa hóa.

Còn Toyota cho biết sẽ tìm cách bảo vệ các nhà cung cấp, đại lý và nhân viên của mình đồng thời duy trì lòng tin của khách hàng khi họ đối mặt với sự bất ổn do thuế quan gây ra. Trong khi Ford nói với Reuters rằng họ đang làm việc với các nhà cung cấp để đánh giá mức độ ảnh hưởng của họ và có thể cấu hình lại các quy trình và nguồn cung ứng.

Trong thư của mình, Toyota cho biết họ hiểu 'sự phức tạp và gánh nặng tài chính mà một số nhà cung cấp đang đối mặt' và yêu cầu các nhà cung cấp xác định và chia sẻ các biện pháp giảm thiểu. Toyota sẽ làm việc với các nhà cung cấp 'trên tinh thần thiện chí', hãng cho biết.

Một số nhà cung cấp của Toyota, bao gồm Denso, vẫn chưa đưa ra dự báo lợi nhuận cho năm tới, viện dẫn sự bất ổn.

Julie Boote, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Pelham Smithers Associates cho biết, cuộc chiến thương mại đã đặt ra "tình trạng khẩn cấp" đối với ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản, và điều này sẽ đẩy nhanh quá trình hợp nhất. “Để tồn tại, các nhà cung cấp cho ngành ô tô này sẽ phải hợp tác với nhau”, bà nói.

Bị ép về chi phí

Các nhà sản xuất Nhật Bản theo truyền thống gây áp lực lên các nhà cung cấp nhỏ hơn để giảm giá, bà Sayuri Shirai, cựu thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Nhật Bản, hiện là giáo sư tại Đại học Keio, cho biết. Đồng thời bà cho rằng, nếu các mức thuế vẫn còn hiệu lực trong dài hạn, điều đó sẽ gây thêm thiệt hại cho các nền kinh tế địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy giảm dân số.

Những rủi ro đối với Nhật Bản đã rõ ràng. Nền kinh tế đã suy giảm trong quý đầu tiên, và Tokyo đã biên soạn các biện pháp kinh tế khẩn cấp để giảm bớt tác động của thuế quan.

"Xuất khẩu ô tô quá quan trọng đối với Nhật Bản để mức thuế 25% này tồn tại", David Boling, cựu quan chức thương mại Mỹ, hiện là giám đốc tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết.

Boling cho biết Mỹ khó có thể giảm xuống dưới mức 10% đã thỏa thuận với Anh.

Ông Trump đã áp mức thuế 25% đối với ô tô và sau đó là mức thuế 24% đối với tất cả hàng hóa Nhật Bản. Mức thuế sau đó đã được giảm xuống 10% trong 90 ngày, thời hạn này sẽ hết vào tháng 7 tới.

Akazawa, đặc phái viên thương mại cho biết, Nhật Bản vẫn kiên định lập trường của mình và muốn các mức thuế bị loại bỏ. Người phát ngôn Nhà Trắng từ chối bình luận về các cuộc đàm phán.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền ông Trump muốn các đối tác thương mại tuân thủ nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được "sự công bằng và cân bằng trong quan hệ thương mại của chúng ta và bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ".

Trong bối cảnh đó, hai quan chức cấp cao Nhật Bản nói với Reuters rằng, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản ngày càng giống kẻ tụt hậu và cần sử dụng thuế quan như một cơ hội để thực hiện những thay đổi sâu rộng nhằm bắt kịp các đối thủ xe điện.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại cho biết, bất kể mức thuế của Mỹ như thế nào, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản cần phản ứng với những thay đổi đáng kể trong môi trường cạnh tranh.

Các nhà cung cấp ô tô hàng đầu của Nhật Bản, được gọi là Tier 1, thu mua phụ tùng từ các nhà cung cấp Tier 2, và cứ thế xuống chuỗi. Ở cuối cùng là những công ty chỉ là những xưởng nhỏ trong khu dân cư, chỉ chuyên sản xuất một bộ phận duy nhất.

Các quan chức chính phủ trước đây đã thúc giục các công ty nhỏ hơn đổi mới và hợp nhất để tăng quy mô.

Tại ngân hàng cho vay khu vực Ashikaga Bank, một đội ngũ chuyên trách về ngành ô tô hỗ trợ khoảng 200 công ty, trong đó khoảng 80% là các nhà cung cấp Tier 2 hoặc thấp hơn. Một thành viên của đội ngũ này, người không được phép phát ngôn công khai, cho biết họ lo ngại thuế quan sẽ dẫn đến giá xe cao hơn và doanh số bán xe Nhật Bản tại Mỹ sụt giảm, ảnh hưởng đến khách hàng của ngân hàng.

Shinichi Iizuka, chủ tịch Toa Kogyo, nhà sản xuất hệ thống treo tại quê hương của Subaru là Ota, gần Takasaki, cho biết gánh nặng thuế quan có thể sẽ được chia sẻ giữa người tiêu dùng, đại lý ô tô, nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp.

Khoảng 70% doanh số bán xe của Subaru là ở Mỹ, đây là thị trường lớn nhất cho cả sản xuất nội địa và nhập khẩu. Subaru cho biết họ sẽ tăng giá một số mẫu xe tại Mỹ.

Giám đốc tài chính Subaru Shinsuke Toda trong tháng này cho biết hãng sẵn sàng đàm phán với các nhà cung cấp về việc chia sẻ gánh nặng của họ, đồng thời nói thêm rằng tình hình vẫn chưa rõ ràng./.

Bài liên quan
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ EU và 25% với sản phẩm Apple nếu iPhone không được sản xuất tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ EU và 25% với sản phẩm Apple nếu iPhone không được sản xuất tại Mỹ.
Có thể vào tháng 11 tới, một thương vụ ước tính trị giá khoảng 6.000 tỷ yen ( khoảng 42 tỷ USD) sẽ diễn ra.
24/05/2025
Trong tuần kết thúc ngày 23/5, giá dầu thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị và nguồn cung trái chiều.
24/05/2025
Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor - GEM 2024) cho thấy Mỹ Latinh là khu vực có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất thế giới, khi có tới 37% nam giới và 33% nữ giới bày tỏ mong muốn tự kinh doanh.
24/05/2025
Sầu riêng Việt thêm cơ hội vào Trung Quốc với gần 1.000 mã số được phê duyệt.
24/05/2025
Tin mới