VTV.vn - Theo Liên hợp quốc, 5 quốc đảo Maldives, Tuvalu, quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati có thể trở nên không thể ở được vào năm 2100.
Mực nước biển dâng nhanh đang tạo ra "thủy triều ác tính" đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn cầu. Cảnh báo được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 25/9.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về các mối đe dọa do nước biển dâng gây ra, ông Guterres nhấn mạnh khoảng 900 triệu người đang sinh sống tại các vùng ven biển thấp. Mực nước biển dâng đồng nghĩa với thủy triều dâng cao, gây ra nguy cơ ngày càng tăng của các đợt sóng bão dữ dội, xói mòn bờ biển và lũ lụt ven biển. Các ngành như ngư nghiệp, nông nghiệp và du lịch sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Chính quyền thị trấn ven biển Quiberville-sur-Mer, miền Bắc nước Pháp phải tháo dỡ nhà cửa vì mực nước biển dâng cao (Ảnh: AFP)
Kể từ đầu thế kỷ 20, mực nước biển trung bình toàn cầu đã dâng nhanh hơn bất kỳ thế kỷ nào trước đó trong ít nhất 3.000 năm qua, hậu quả trực tiếp của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra khiến băng trên đất liền tan chảy và nước biển giãn nở vì nhiệt.
Trong thế kỷ qua, khi nhiệt độ toàn cầu tăng khoảng 1oC, mực nước biển đã tăng từ 160 đến 210 mm, với khoảng một nửa lượng nước đó xảy ra kể từ năm 1993, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo một nghiên cứu được trích dẫn bởi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, 5 quốc đảo Maldives, Tuvalu, quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati có thể trở nên không thể sinh sống được vào năm 2100, tạo ra 600.000 người tị nạn khí hậu không quốc tịch.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia cần có ý chí chính trị mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng khí hậu trở thành "địa ngục trần gian".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!