Màu sắc và kết cấu của lưỡi có thể phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nếu lưỡi có sự thay đổi bất thường như xuất hiện các mảng trắng, đỏ, đen hoặc cảm giác đau, rát, rất có thể cơ thể bạn đang gửi đi những tín hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe cần được chú ý.
Không phải ngẫu nhiên mà bác sĩ thường kiểm tra lưỡi khi thăm khám. Một người khỏe mạnh thường có lưỡi màu hồng và bề mặt nhẵn mịn. Tuy nhiên, nếu lưỡi đổi màu hoặc có cảm giác bất thường, đó có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là lớp phủ hoặc các mảng trắng trên lưỡi. Điều này có thể liên quan đến bệnh nấm miệng – tình trạng do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc mất cân bằng hệ vi khuẩn trong miệng, nấm có thể phát triển mạnh mẽ, khiến lưỡi bị phủ một lớp trắng hoặc xuất hiện các mảng loang lổ.
Ngoài ra, bạch sản cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra các mảng trắng hoặc xám trên niêm mạc miệng. Nếu tình trạng này kéo dài và không tự biến mất, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư miệng. Một vấn đề khác liên quan đến lưỡi trắng là bệnh liken phẳng ở miệng, một rối loạn tự miễn có thể gây viêm, sưng và xuất hiện các đốm trắng kèm theo loét miệng.
Bên cạnh đó, lưỡi đỏ bất thường cũng là một dấu hiệu đáng lưu tâm. Nếu lưỡi chuyển sang màu đỏ tươi, nguyên nhân có thể là do thiếu hụt vitamin B-12 hoặc axit folic. Cơ thể không đủ hai loại dưỡng chất này có thể làm thay đổi kết cấu và màu sắc của lưỡi, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, viêm lưỡi bản đồ – một tình trạng vô hại nhưng có thể liên quan đến dị ứng, căng thẳng hoặc tiểu đường – cũng khiến bề mặt lưỡi xuất hiện các vùng viêm đỏ, trông giống như hình ảnh bản đồ. Một nguyên nhân nghiêm trọng hơn là bệnh sốt Scarlet (ban đỏ), do vi khuẩn gây ra, có thể khiến lưỡi chuyển đỏ và trở nên sần sùi, nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tim, thận và các cơ quan khác. Ở trẻ nhỏ, bệnh Kawasaki cũng có thể khiến lưỡi có màu đỏ, kèm theo sốt cao và viêm mạch máu.
Trong một số trường hợp, lưỡi còn có thể chuyển sang màu đen, thường do vi khuẩn phát triển quá mức trên các nhú gai lưỡi. Đây là tình trạng có thể xảy ra ở những người hút thuốc, uống nhiều cà phê hoặc vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, lưỡi đen cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân tiểu đường hoặc những người đang trong quá trình hóa trị ung thư.
Ngoài màu sắc, kết cấu lưỡi cũng là một yếu tố quan trọng cần chú ý. Nếu lưỡi bị sần sùi, thô ráp hoặc xuất hiện các vết loét kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng như loét miệng, nhiễm nấm hoặc thậm chí ung thư. Nếu tình trạng này không thuyên giảm, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Lưỡi không chỉ giúp chúng ta cảm nhận hương vị mà còn là “tấm gương” phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể. Đừng bỏ qua những thay đổi nhỏ trên lưỡi, vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về các vấn đề tiềm ẩn trong cơ thể./.