Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngoài việc ảnh trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng, còn ảnh hưởng tới các nhãn hàng.
Gia tăng hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành một trong những hình thức gian lận thương mại phổ biến tại Việt Nam. Để đánh lừa người tiêu dùng, phương thức, thủ đoạn này ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và biến đổi liên tục.
Không khó để mua được những phụ tùng xe máy mang các thương hiệu lớn ở các cửa hàng mua bán bán đồ phụ tùng. Từ má phanh, dây cu roa, đến mặt nạ xe, thứ gì cũng được bày bán kèm với lời khẳng định là hàng chính hãng.
Nếu như má phanh chính hãng đang được bán với giá 190.000 đồng thì tại đây chỉ có giá 100.000 đồng. Chỉ nhìn qua người mua không thể phân biệt được đâu là đồ thật, đâu là đồ giả bởi hàng giả được đóng tem mác y hệt, chỉ khác ở một chi tiết rất nhỏ mà ít người để ý đó là không có tem phản quang chống hàng giả.
Bà Đại Khả Quỳnh - Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết: "Xe máy là phương tiện vận chuyển chính cho nên khi hàng phụ tùng giả hay xe máy không đảm bảo chất lượng thì ảnh hưởng chính đầu tiên đến người tiêu dùng là an toàn. Thứ hai về mặt kinh tế vì người ta phải trả một số tiền tương đối nhưng mua mua phải hàng giả hàng kém chất lượng".
Không chỉ người dân, các nhãn hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhãn hàng càng phổ biến thì càng bị làm giả nhiều, từ máy tính, điện thoại, xe máy cho đến hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm.
"Sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh số và uy tín của công ty, đặc biệt là về doanh số, khi lượng hàng giả tràn lan trên thị trường thì công ty mất lượng doanh thu đáng kể. Người tiêu dùng thay vì mua hàng chính hãng lại mua phải hàng không chính hãng trên thị trường…", bà Lê Thị Bích Diệp - Công ty Luật T&G cho biết.
Theo thống kê, trong 9 tháng, qua lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý hơn 9.000 vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đầy lùi hàng giả, hàng nhái, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc không chỉ của các lực lượng chức năng, mà còn là chính người dân. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng không bị mất tiền oan, còn các nhãn hàng không bị thiệt hại, mất uy tín bởi mối họa do hàng giả, hàng nhái mang lại.
Tăng cường nhận diện hàng giả, hàng nhái
Nhiều nhãn hiệu có tên tuổi hiện bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Bởi vậy, bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn thì làm thế nào để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt rõ thật, giả đang là một trong những nỗ lực của các lực lượng chức năng.
Không mất tiền thật để mua phải hàng giả - đây là mục đích của Triển lãm Nhận diện thương hiệu được bảo hộ của Tổng cục Quản lý thị trường đang tổ chức. Mỗi người dân khi đến đây sẽ được hiểu biết thêm về những thủ đoạn làm giả phổ biến hiện nay.
Một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất hiện nay đó là phụ tùng xe máy. Người mua cần phải lưu ý nếu là tem chính hãng, phần chứa tên phụ tùng sẽ có cỡ chữ lớn hơn, tem được in đậm, sắc nét hơn; phần mã vạch được in đậm, to ở ngay phần giữa của tem. Còn tem giả thì các đường in thường mờ nhạt, khó nhìn, mã vạch thường sẽ bị in lệch về một phía, nhỏ và không rõ ràng.
Bện cạnh đó, các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều biện pháp để bảo hộ nhãn hàng, giảm thiểu hiện tượng hàng giả như liên tục thay đổi kiểu dáng mẫu mã. Quan trọng nhất là doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình.
Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng được mua hàng đảm bảo. Mục tiêu đến năm 2025, 100% cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và siêu thị không còn bày bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.