Chứng khoán Mỹ lại vừa có một phen chao đảo, khi cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh trong phiên giao dịch đêm 10/4 (theo giờ Việt Nam).
Kết quả này cũng xóa bỏ phần nào những thành quả đã đạt được trong phiên tăng điểm lịch sử trước đó của Phố Wall.
Chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận mức giảm đáng kể. Xu hướng bán ra đã tái diễn sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn áp đặt một số mức thuế quan mới trong 90 ngày, nhưng lại tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Hôm 9/4, sau khi ông Trump thông báo tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày cho nhiều quốc gia, chỉ số S&P 500 đã tăng vọt 9,5% - mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Nasdaq, với tỷ trọng lớn các cổ phiếu công nghệ, cũng bật tăng 12,2%, ghi nhận phiên tăng mạnh thứ hai trong lịch sử.
Tuy nhiên, sau đợt tăng mạnh ngày 9/4 và đợt bán tháo vào ngày 10/4, chỉ số S&P 500 hiện vẫn thấp hơn 7,1% so với thời điểm trước khi hai bên công bố áp thuế trả đũa lẫn nhau hồi tuần trước.
Chuyên gia nhận định về chứng khoán Mỹ
Bà Ellie Henderson - Chuyên gia kinh tế, Công ty Investec cho biết: "Không thể nói rằng sự bất ổn đã kết thúc. Việc áp thuế quan đối ứng với nhiều nước đã được tạm dừng trong 90 ngày, nhưng chúng ta vẫn chưa rõ mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Trump về thuế quan, cũng như cách các quốc gia sẽ đàm phán. Tôi nghĩ sự bất ổn vẫn đang tồn tại vào thời điểm này. Việc Mỹ tăng thuế với Trung Quốc cũng là một diễn biến cần phải được theo dõi chặt chẽ".
"Với tất cả những tin tức về thuế quan mà chúng ta nghe được, ngay cả những thông tin tích cực cũng đang bị lu mờ bởi một thực tế. Đó là thị trường hiện nay đang định giá theo cách bất kỳ tin tốt nào cũng có thể bị đảo ngược chỉ bằng một dòng Tweet và bất kỳ ngày tồi tệ nào cũng có thể được cứu vãn theo cách tương tự. Sự bất ổn đó khiến các cổ phiếu suy yếu, và điều này đang được phản ánh rõ ràng trên thị trường", ông Alexander Morris - Tổng Giám đốc điều hành Công ty F/M Investments nhận định./.