VTV.vn - Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế đối với từng đối tượng để áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Từ cuối năm 2023, ngành thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của trường hợp này khá lớn, lên tới hơn 15.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành thuế cũng đã tiếp nhận được những ý kiến về những bất cập khi triển khai biện pháp này. Do đó, Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế đối với từng đối tượng để áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Ngoài ngưỡng nợ thuế, khi tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng họ là lao động làm thuê, không phải chủ sở hữu hay người nắm cổ phần cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người nộp thuế cũng cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh chưa tạo thuận lợi khi họ gặp khó khăn tài chính nhất thời.
Phản hồi ý kiến này, Tổng cục Thuế dẫn Luật Doanh nghiệp khẳng định cá nhân là người đại điện pháp luật để thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Cơ quan này cho hay ngành thuế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp như cho phép nộp dần tiền nợ, không tính chậm nộp, gia hạn thuế.
Trong 9 tháng năm nay, cơ quan thuế đã ban hành hơn 23.700 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế với tổng số là 51.000 tỷ đồng. Tính chung kết quả thu hồi nợ thuế đã đạt hơn 56.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu từ thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là hơn 1.800 tỷ đồng.
Để tăng quản lý nợ thuế, cuối tháng trước Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các địa phương đảm bảo dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh được cập nhật trên hệ thống để người nộp thuế tra cứu trên website hoặc ứng dụng eTax, eTax Mobile.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!