Trước thực trạng buôn bán sữa và thực phẩm chức năng giả có dấu hiệu gia tăng, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận diện hàng thật - hàng giả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo từ Bộ Công Thương, ngay trong tháng 4 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm liên quan đến sữa bột không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, bao bì ghi tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 31 triệu đồng; hàng hóa vi phạm trị giá hơn 41 triệu đồng đã bị buộc tiêu hủy.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng thu giữ 300 gói thực phẩm chức năng bổ thận không rõ xuất xứ, được rao bán trên mạng xã hội với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực. Chủ cơ sở bị xử phạt 12 triệu đồng, toàn bộ hàng vi phạm cũng đã bị tiêu hủy.
“Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sau dịch của người dân để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là sữa trẻ em và thực phẩm chức năng cho người cao tuổi – nhóm sản phẩm có nguy cơ bị làm giả cao nhất”, một tiểu thương tại TP. Thái Nguyên cho biết.
Theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra, phát hiện 176 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt gần 2 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là 72 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, 15 vụ liên quan an toàn thực phẩm, và nhiều trường hợp buôn bán qua mạng, thương mại điện tử.
“Có những vụ, đối tượng thuê nhà trọ để tập kết hàng giả, bán qua Facebook, Zalo, gây khó khăn trong việc truy vết. Tuy nhiên, với các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi vẫn kiên quyết truy đến tận gốc”, ông Nguyễn Hữu Lợi – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Song song với công tác kiểm tra, xử lý, công tác truyền thông phòng chống hàng giả cũng đang được đẩy mạnh trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm. Các đội QLTT phối hợp cùng địa phương tổ chức các buổi truyền thông tại chợ, khu dân cư, hướng dẫn người dân cách phân biệt sản phẩm thật - giả.
Sữa và thực phẩm chức năng giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe – đặc biệt với trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cần sự chung tay của các cơ sở kinh doanh chân chính và chính người tiêu dùng. Mỗi người dân hãy tỉnh táo, không chạy theo quảng cáo “giá rẻ - chất lượng cao” thiếu kiểm chứng.
“Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, người dân có thể gọi tới đường dây nóng của Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên qua số 0208.3855.803 để được tiếp nhận và xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Hữu Lợi khuyến cáo.