Báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng cao thứ ba trong giai đoạn 2011-2024, chỉ sau các năm 2017 và 2018.
Nhờ sự tăng trưởng ấn tượng của quý IV, GDP cả năm 2024 của Việt Nam đạt mức 7,09%, cao hơn mục tiêu đề ra. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD, với GDP bình quân đầu người ước đạt 114 triệu đồng/người (4.700 USD), tăng 377 USD so với năm 2023.
Năng suất lao động toàn nền kinh tế cũng tăng trưởng tích cực, đạt 221,9 triệu đồng/lao động (9.182 USD/lao động), tăng 726 USD so với năm 2023. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88%, phản ánh sự cải thiện về trình độ lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với năm trước.
GDP Việt Nam tăng trưởng tích cực nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Sản xuất công nghiệp đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Quý IV/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Tính chung cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4%, mức cao nhất kể từ năm 2020.
Trong năm 2024, hơn 233.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có 197.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Quý IV/2024, có 77,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hoặc tốt hơn so với quý III, tỷ lệ này cao hơn 5,5% so với quý trước.
Sự gia tăng của các doanh nghiệp quay trở lại thị trường và đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp cho thấy nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi vững chắc sau các khó khăn của những năm trước.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn FDI đăng ký, bao gồm vốn cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt 38,23 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như những cải thiện trong thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD, khẳng định vai trò của xuất khẩu trong nền kinh tế và tạo dư địa cho tăng trưởng bền vững.
Mặc dù đạt được những thành tựu nổi bật, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức như áp lực lạm phát, bất ổn từ kinh tế toàn cầu, và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, với những nền tảng vững chắc đã đạt được trong năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Các chuyên gia nhận định, để tận dụng tối đa tiềm năng, cần tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, và đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, bền vững để duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.