Vừa qua, chính phủ Thái Lan đã ban hành một sắc lệnh khẩn cấp mới yêu cầu các tổ chức tài chính, nhà khai thác viễn thông và chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội phải chia sẻ trách nhiệm nếu không ngăn chặn được các vụ lừa đảo.
Cụ thể, kể từ ngày 13/4, sắc lệnh mới yêu cầu các tổ chức tài chính và nhà điều hành doanh nghiệp phải tiết lộ thông tin về các tài khoản và giao dịch tài chính thiếu minh bạch, đóng băng các tài khoản và giao dịch đáng ngờ, có liên quan đến lừa đảo. Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và viễn thông có trách nhiệm sàng lọc những tin nhắn ngắn có thể liên quan đến lừa đảo.
Các tổ chức tài chính, nhà khai thác viễn thông và chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội vi phạm sẽ phải chịu khoản tiền phạt lên tới 500.000 baht. Bất kỳ cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc không tuân thủ sẽ phải chịu án tù lên tới một năm và/hoặc khoản tiền phạt 100.000 baht.
Theo sắc lệnh mới, những người không đăng ký dịch vụ điện thoại di động để ngăn chặn lừa đảo sẽ bị phạt tù lên đến một năm và/hoặc phạt tiền lên đến 100.000 baht. Những người thu thập, tiết lộ hoặc sử dụng dữ liệu của người đã khuất để lừa đảo sẽ bị phạt tù lên đến một năm và/hoặc phạt tiền lên đến 100.000 baht.
Ngoài ra, kể từ ngày 13/4, các sàn giao dịch tài sản số ở các quốc gia khác phải xin giấy phép dịch vụ tại Thái Lan trước khi cung cấp dịch vụ tại quốc gia này. Sắc lệnh mới sửa đổi này, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng ngăn chặn những giao dịch đáng ngờ của các sàn giao dịch tài sản số nước ngoài có thể hỗ trợ việc chuyển tiền của những kẻ lừa đảo.
Trong bối cảnh công nghệ số đang bùng nổ hiện nay, giới chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo rằng tội phạm đang tận dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các trang web giả mạo ngày càng tinh vi, khiến người dùng khó nhận biết. Trong khi công nghệ AI vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khả năng phòng chống, việc nâng cao nhận thức cá nhân và chủ động cảnh giác vẫn là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay./.