Tham vọng điện gió ngoài khơi của Anh nhận “đòn giáng” mới từ Orsted

Ngọc Mỹ (Theo Sustainable Times) - Thứ sáu, ngày 09/05/2025 11:57 GMT+7

Vương quốc Anh đang đặt mục tiêu tăng công suất điện gió ngoài khơi lên mức 43–50 GW vào năm 2030, so với mức 15,6 GW hiện tại. Tuy nhiên, tham vọng này vừa hứng chịu một cú sốc lớn khi tập đoàn Orsted – nhà phát triển điện gió lớn nhất thế giới – tuyên bố dừng triển khai dự án điện gió ngoài khơi Hornsea 4.

Tham vọng điện gió ngoài khơi của Anh nhận “đòn giáng” mới từ Orsted
Chính phủ Anh vẫn kiên định với mục tiêu năng lượng sạch 2030.

Ngày 7/5, Orsted cho biết họ đã quyết định tạm ngừng phát triển dự án Hornsea 4 “ở hình thức hiện tại” do chi phí chuỗi cung ứng tăng mạnh, lãi suất cao và các rủi ro vận hành ngày càng lớn. Dự án này từng được kỳ vọng trở thành trang trại điện gió ngoài khơi lớn thứ hai tại Anh, với 180 turbine trải rộng trên diện tích 860 km² ngoài khơi bờ biển Yorkshire, cung cấp 2,4 GW điện – đủ cho khoảng 1 triệu hộ gia đình.

Dù được chính phủ Anh phê duyệt vào tháng 7/2023, Orsted vẫn quyết định ngừng triển khai dự án trước thời điểm ra quyết định đầu tư cuối cùng vào cuối năm nay. Theo Chủ tịch Orsted khu vực châu Âu Rasmus Errboe, công ty áp dụng chiến lược phân bổ vốn khắt khe và chỉ ưu tiên các dự án mang lại giá trị tối ưu.

Tuy nhiên, Orsted vẫn giữ quyền phát triển Hornsea 4, cho thấy khả năng dự án sẽ được khởi động lại nếu điều kiện tài chính thuận lợi hơn trong tương lai. Dù vậy, việc dừng dự án khiến Orsted đối mặt với khoản thiệt hại lên đến 455 triệu bảng Anh và là hệ quả sau khi công ty cắt giảm 25% kế hoạch đầu tư đến năm 2030 do thị trường biến động.

Đối với Vương quốc Anh, đây là cú “vấp ngã” thứ hai sau khi tập đoàn Vattenfall (Thụy Điển) từ bỏ dự án Norfolk Boreas vào năm 2023, dù đã giành được hỗ trợ từ cơ chế Hợp đồng chênh lệch (CfD) trong vòng đấu thầu AR6.

Mặc dù vậy, ngành điện gió ngoài khơi toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng công suất lắp đặt đạt 81 GW và hơn 1.500 dự án đang trong quá trình triển khai. Anh hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu với tổng công suất được cấp phép lên tới 96 GW trên 123 dự án.

Chính phủ Anh vẫn kiên định với mục tiêu năng lượng sạch 2030. Đảng Lao động cầm quyền, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Keir Starmer, cam kết tăng gấp bốn lần công suất điện gió ngoài khơi lên 60 GW. Tháng trước, chính phủ cũng công bố gói đầu tư 300 triệu bảng để phát triển chuỗi cung ứng – bao gồm sản xuất giàn khoan và cáp nổi – nhằm củng cố vị thế của Anh trong lĩnh vực này.

Phản hồi về quyết định của Orsted, bà Jane Cooper – Phó Giám đốc điều hành RenewableUK – cho rằng: “Việc tạm dừng một dự án lớn là điều đáng tiếc, nhưng Anh vẫn là điểm đến lý tưởng để phát triển điện gió ngoài khơi. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa như một phần chiến lược công nghiệp cốt lõi”.

Bà cũng kêu gọi chính phủ điều chỉnh các điều khoản đấu giá trong năm nay để phản ánh đúng chi phí thực tế trong bối cảnh chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao, đồng thời tránh áp dụng mức giá điện theo vùng – điều có thể khiến chi phí đầu tư bị đội lên.

Phía chính phủ Anh khẳng định vẫn có “một danh mục dự án đầy tiềm năng” hướng đến mục tiêu cung cấp điện sạch vào năm 2030, đồng thời cam kết sẽ phối hợp với Orsted để đưa Hornsea 4 trở lại đúng lộ trình./. 

Bài liên quan
Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm qua (9/5) cho thấy, trong khi thương mại với Mỹ sụt giảm do ảnh hưởng thuế quan, xuất khẩu của nước này đã vượt kỳ vọng nhờ vào thị trường ASEAN và châu Âu.
Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm qua (9/5) cho thấy, trong khi thương mại với Mỹ sụt giảm do ảnh hưởng thuế quan, xuất khẩu của nước này đã vượt kỳ vọng nhờ vào thị trường ASEAN và châu Âu.
Từ ngày 10/5/2025, mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
09/05/2025
Sau gần hai thập kỷ “nằm trên giấy”, dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đang bước vào giai đoạn tăng tốc triển khai, kỳ vọng trở thành trung tâm công nghệ sinh học tầm cỡ khu vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
09/05/2025
Trong lĩnh vực xuất khẩu, theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
09/05/2025
Bất chấp lo ngại từ kịch bản “Trump 2.0” và làn sóng bất ổn chính sách toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng với nền kinh tế phục hồi nhanh và thị trường bất động sản công nghiệp sôi động.
09/05/2025
Tin mới