Từ ngày 5/5, Bộ Công Thương thống nhất một đầu mối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), triển khai số hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phòng chống gian lận xuất xứ…
Việc này nhằm kịp thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hoàn thiện hệ thống chính sách thương mại, gia tăng năng lực cạnh tranh, uy tín quốc gia và khả năng ứng phó với biến động của thương mại toàn cầu.
Thu hồi quyền cấp C/O từ VCCI
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ này thu hồi quyền cấp C/O, cấp Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Na Uy và Thụy Sĩ đối với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Kể từ ngày 5/5/2025, việc thực hiện cấp các loại C/O không ưu đãi, CNM và đăng ký mã số REX được thực hiện tại các cơ quan cấp C/O của Bộ Công Thương.
Theo đó, doanh nghiệp có thể đề nghị cấp C/O ưu đãi theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và C/O không ưu đãi tại cùng một cơ quan, tổ chức cấp C/O của Bộ Công Thương, thống nhất một đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa. Bộ Công Thương đã giao Cục Xuất nhập khẩu nhiệm vụ thông báo kịp thời tới các nước nhập khẩu, các cơ quan liên quan trong và ngoài nước về sự thay đổi cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT ngày 21/4/2025, chính thức thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và mã số REX đối với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với quy trình này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian khi đề nghị cấp C/O, giảm thiểu chi phí đi lại. Đồng thời, công khai, minh bạch, đơn giản, điện tử hóa, thống nhất về một đầu mối quản lý, góp phần phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp nhằm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững. “Việc chuyển giao thẩm quyền cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và xác minh xuất xứ hàng hóa là cần thiết”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền khẳng định.
Hơn thế nữa, tình hình thương mại quốc tế hiện diễn biến phức tạp và khó lường, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ đang áp dụng chính sách thuế quan đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Chúng ta đều biết rằng, trong các cuộc đàm phán về thuế sắp tới, Mỹ sẽ yêu cầu Việt Nam kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa trước khi xem xét việc giảm thuế. Vì vậy, các động thái thay đổi, cải cách bộ máy cấp C/O và siết chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa là việc làm vô cùng cấp bách hiện nay để ứng phó với tình trạng gian lận xuất xứ ngày càng tinh vi, giảm thiểu rủi ro về gian lận xuất xứ, duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là vào thị trường Mỹ.
Mặt khác, hiện tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đều yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế quan ưu đãi. Các loại chứng nhận như C/O, CNM và mã số REX được coi là "hộ chiếu thương mại" của hàng hóa, đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và tuân thủ quy tắc xuất xứ theo các FTA.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu dệt may Thanh Hương - cho biết: “Chuyển đổi cơ quan cấp C/O, CNM ban đầu có thể tạo ra khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là đối với công ty gia công dệt may nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc như chúng tôi. Song, điều này là cần thiết trong tình hình hiện nay vì việc kiểm soát xuất xứ chặt chẽ sẽ góp phần củng cố niềm tin của đối tác quốc tế, không chỉ hỗ trợ cho xuất khẩu, tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại mà còn giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ cấp chứng nhận xuất xứ một cách nhanh chóng, minh bạch, hạn chế tối đa các rủi ro”.
Thiết lập giai đoạn chuyển tiếp mềm, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Trong thời gian qua, một số dấu hiệu về sự thiếu chuẩn hóa, thiếu hậu kiểm trong việc cấp C/O, mẫu CNM và mã REX đã tạo nên lỗ hổng chính sách, nhất là việc đáp ứng các đòi hỏi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với nền xuất khẩu. Một chuyên gia nước ngoài từng khuyến cáo, nếu Việt Nam muốn trở thành trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng - logistics của khu vực, thì từng con dấu C/O cũng phải chuẩn như chip bán dẫn.
Đúng vậy, C/O và mã số REX không đơn thuần là thủ tục hải quan. Trong hệ sinh thái thương mại toàn cầu, chúng là “hộ chiếu thương mại” và đảm bảo rằng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam không chỉ được sản xuất tại Việt Nam mà còn tuân thủ quy tắc xuất xứ trong các FTA.
Hồi đáp những lo lắng của doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ quan cấp C/O, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ thực hiện chính sách một cách linh hoạt, không để doanh nghiệp bị bỏ lại phía sau. Bộ Công Thương đã chủ động thiết lập giai đoạn chuyển tiếp mềm. Doanh nghiệp đang sử dụng mã REX do VCCI cấp vẫn được hướng dẫn chuyển đổi sang hệ thống mới, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. “Cục Xuất nhập khẩu chủ động có giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi và phối hợp bàn giao công việc quản lý phù hợp để doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, đứt gãy các đơn hàng xuất khẩu. Chúng tôi sẽ hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi đầy đủ và không để đứt gãy thông suốt xuất nhập khẩu”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, trước bối cảnh tình hình thương mại quốc tế biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, công tác quản lý xuất xứ hàng hóa ngày càng đóng vai trò then chốt trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiệm vụ này là rất cần thiết đối với Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng, bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Việt Nam và các đối tác. Có thể thấy, việc thực hiện tốt công tác này cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên thị trường toàn cầu./.