VTV.vn - Số tiền mà các quỹ đầu tư tại khu vực Trung Đông rót vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI đã tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng 1 năm qua.
Một thông tin nóng đang thu hút sự chú ý lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI đó là OpenAI - một trong những tên tuổi đang dẫn đầu trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này, đã bắt đầu cân nhắc khả năng sẽ chuyển đổi hoạt động thành doanh nghiệp vì lợi nhuận, thay cho mô hình tổ chức phi lợi nhuận hiện nay.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh OpenAI đang tiến hành vòng gọi vốn mới với kỳ vọng đạt định giá lên đến 150 tỷ USD. Việc thay đổi mô hình được kỳ vọng có thể đơn giản hóa hệ thống quản trị và startup này trở nên hấp dẫn hơn với những đơn vị đầu tư lớn, chẳng hạn như các quỹ tại Trung Đông, vốn đang đẩy mạnh đổ tiền vào lĩnh vực này.
Theo dữ liệu mới từ hãng phân tích Pitchbook, số tiền mà các quỹ đầu tư tại khu vực Trung Đông rót vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI đã tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng 1 năm qua. Nhiều thương vụ lớn đã và đang diễn ra, như quỹ Mubadala của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE đã đổ 500 triệu USD vào startup Anthropic, hay MGX - một quỹ mới chuyên về AI cũng của UAE, đang tham gia vòng gọi vốn mới nhất của OpenAI.
Khối tài sản khổng lồ từ kinh doanh dầu mỏ chính là lợi thế lớn nhất của các quỹ đầu tư Trung Đông trong cuộc chạy đua AI. Theo Goldman Sachs, tổng tài sản của các quỹ quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh GCC đang tăng trưởng đều đặn và sẽ chạm mốc 3.500 tỷ USD vào năm 2026, trong đó quỹ PIF của Saudia Arabia dẫn đầu với "túi tiền" hơn 900 tỷ USD.
Quan trọng hơn, các nước Trung Đông đang coi lĩnh vực công nghệ, trong đó có AI như một mục tiêu quan trọng trong quá trình đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Ông Omar Al Olama - Bộ trưởng phụ trách Trí tuệ nhân tạo và Kinh tế số UAE cho biết: "Chúng tôi có những mục tiêu cụ thể, đó là dùng AI nhằm nâng cao chất lượng sống trở thành một thị trường hàng đầu về AI cũng như tạo ra một hệ sinh thái tập trung phát triển nhân tài AI. Hiện chúng tôi đã có số lượng startup và doanh nghiệp AI hàng đầu trong khu vực".
Số tiền đầu tư vào các startup AI từ các quỹ Trung Đông đã tăng gấp 5 lần trong năm qua. Ảnh: CNBC.
Ở chiều ngược lại, các startup AI cũng đang nỗ lực hướng đến túi tiền khổng lồ từ Trung Đông. Chỉ riêng trong năm nay, Sam Altman đã 2 lần tới khu vực này, đối thoại với các quan chức các nước UAE, Qatar hay Jordan. Đây được cho là nhằm gọi vốn cho tham vọng của vị CEO OpenAI về một liên minh chuyên về sản xuất chip cho lĩnh vực này.
Dù vậy, cũng có những ý kiến cho rằng, việc đổ vốn lớn vào AI từ các nhà đầu tư Trung Đông có thể mang đến những rủi ro cho thị trường.
Bà Kate Rooney - Phóng viên chuyên trách lĩnh vực công nghệ của CNBC đánh giá: "Dòng vốn gần như không ngừng đổ vào AI hiện nay đã đẩy định giá của nhiều startup lên cao quá mức, mà một số nhà đầu tư gọi là "hiệu ứng Softbank", giống như việc Softbank từng bơm tiền thổi giá của Uber hay WeWork trước đây một cách không bền vững".
Bất chấp những lo ngại này, dòng vốn đổ vào AI từ Trung Đông nói riêng và toàn cầu nói chung dự báo sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới, khi OpenAI và các startup khác đang liên tục trình làng các ứng dụng mới nhiều tiềm năng từ lĩnh vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!