Chính quyền Trung Quốc vừa yêu cầu các hãng hàng không trong nước tạm dừng tiếp nhận máy bay mới từ hãng sản xuất Mỹ Boeing, đồng thời hạn chế việc mua sắm thiết bị và linh kiện máy bay từ các doanh nghiệp Mỹ.
Động thái cứng rắn này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng, sau khi Trung Quốc áp mức thuế trả đũa lên tới 125% đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm cả máy bay và linh kiện hàng không.
Việc tăng thuế nhập khẩu khiến chi phí sản xuất và sở hữu máy bay có nguồn gốc từ Mỹ đội giá lên đáng kể, gây áp lực lớn lên các hãng hàng không Trung Quốc vốn đang dựa nhiều vào dòng tàu bay của Boeing.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính cho những hãng hàng không nước này đang có hợp đồng thuê hoặc mua máy bay của Boeing nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ lệnh áp thuế mới.
Theo dữ liệu từ Aviation Flights Group, hiện có khoảng 10 chiếc Boeing 737 chuẩn bị được bàn giao cho các hãng bay lớn tại Trung Quốc như China Southern Airlines, Air China và Xiamen Airlines. Tuy nhiên, các hợp đồng ký kết và thanh toán trước ngày áp thuế có thể vẫn được thực hiện, nên một số máy bay vẫn có khả năng được phép nhập khẩu trong thời gian tới.
Song song với việc siết chặt nhập khẩu Boeing, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành hàng không nội địa. Bắc Kinh kỳ vọng Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) sẽ trở thành đối trọng của Boeing và Airbus, góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế.
Trong năm 2024, Comac đã bàn giao 12 chiếc C919 — dòng máy bay thân hẹp cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 và Airbus A321 — cho ba hãng bay nội địa. Tập đoàn đặt mục tiêu tăng công suất sản xuất lên 150 chiếc mỗi năm vào năm 2028 và hiện đang xúc tiến nghiên cứu phát triển máy bay thân rộng để từng bước giành thị phần trên thị trường quốc tế./.