Đồng USD tiếp tục giảm giá khi thị trường phản ứng với những tín hiệu kinh tế mới và diễn biến chính trị toàn cầu.
Theo số liệu từ MarketWatch, chỉ số USD Index đã giảm xuống 106,79 điểm, mức thấp nhất trong gần hai tháng, trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay.
Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 24.562 đồng/USD, giữ nguyên so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Trong hệ thống ngân hàng thương mại, tỷ giá mua – bán USD vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng.
Hiện tại, Vietcombank duy trì tỷ giá mua vào và bán ra lần lượt ở mức 25.190 – 25.580 đồng/USD, không thay đổi so với ngày trước đó. Ở chiều mua vào, TPBank là ngân hàng có giá mua tiền mặt thấp nhất, chỉ 24.390 đồng/USD, trong khi OCB đang mua tiền mặt với giá cao nhất lên đến 25.410 đồng/USD. Ở chiều bán ra, TPBank tiếp tục có mức bán tiền mặt thấp nhất, chỉ 24.870 đồng/USD, trong khi Saigonbank niêm yết mức bán cao nhất ở 25.790 đồng/USD.
Sự suy yếu của đồng bạc xanh không chỉ phản ánh qua tỷ giá trong nước mà còn rõ rệt trên thị trường quốc tế. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, dừng ở mức 106,71 điểm, gần như không thay đổi so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2024.
Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này là do thị trường đang lạc quan hơn về triển vọng hòa bình giữa Nga và Ukraine, thúc đẩy dòng tiền chuyển sang các đồng tiền khác như euro. Bên cạnh đó, quyết định trì hoãn áp thuế quan thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng giúp cải thiện tâm lý thị trường, khiến nhu cầu trú ẩn vào đồng USD giảm sút.
Ngoài các yếu tố chính trị, dữ liệu kinh tế mới nhất từ Mỹ cũng tác động đến đồng USD. Doanh số bán lẻ trong tháng 1 giảm mạnh hơn dự báo, làm gia tăng khả năng Fed sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng. Theo các chuyên gia, chỉ số lạm phát PCE cốt lõi – một trong những thước đo quan trọng mà Fed theo dõi – có thể sẽ giảm so với dự đoán trước đó khi được công bố vào cuối tháng. Nếu điều này xảy ra, khả năng Fed cắt giảm lãi suất sẽ càng cao, từ đó tạo thêm áp lực giảm lên đồng USD.
Theo chuyên gia ngoại hối Vassili Serebriakov của UBS tại New York, hiện nay, tâm lý nhà đầu tư không còn quá lo lắng về các chính sách thuế quan, mà thay vào đó tập trung vào khả năng Fed sẽ sớm hạ lãi suất. Ông nhận định: "Các yếu tố địa chính trị và dữ liệu kinh tế đều đang không có lợi cho USD. Nếu lạm phát tiếp tục chậm lại, Fed sẽ không có lý do để giữ lãi suất cao, điều này sẽ khiến USD suy yếu hơn nữa."
Trong thời gian tới, diễn biến của đồng USD sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các quyết định từ Fed cũng như tình hình kinh tế Mỹ. Nếu các dữ liệu sắp tới tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, áp lực lên Fed sẽ gia tăng, kéo theo khả năng đồng bạc xanh tiếp tục mất giá./.