Viêm phổi, tổn thương phổi do giun lươn

VTVTimes - Thứ sáu, ngày 14/02/2025 17:09 GMT+7

Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp người bệnh bị nhiễm giun lươn nặng.

Viêm phổi, tổn thương phổi do giun lươn
Soi kính hiển vi dịch rửa phế quản phổi ghi nhận những ấu trùng giun lươn.

Người bệnh đầu tiên là nữ, 64 tuổi, sống tại Tiền Giang, tiền căn bệnh đau xương khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận, nhập viện vì khó thở và ho. Khi thăm khám, các bác sĩ ghi nhận người bệnh trong 1 tháng nay có biểu hiện ăn kém, sụt cân, ho và khó thở, điều trị tại địa phương không thuyên giảm.

Tại đây, các xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng thiếu máu mức độ trung bình, tăng bạch cầu ái toan (một trong những chỉ điểm của tình trạng nhiễm ký sinh trùng), viêm phổi với tổn thương dạng nốt lan tỏa hai phổi. Người bệnh được chỉ định nội soi phế quản và nội soi dạ dày tá tràng để kiểm tra, ghi nhận tình trạng viêm dạ dày tá tràng có nhiều chấm trắng li ti gợi ý tình trạng nhiễm ký sinh trùng.

Khi các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản cho người bệnh, bơm rửa ghi nhận được nhiều dị vật màu trắng xám, kiểm tra dưới kính hiển vi ghi nhận là ấu trùng giun lươn. Từ đó chẩn đoán của người bệnh được xác định là một tình trạng nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột trên cơ địa suy giảm miễn dịch. Người bệnh được điều trị với thuốc đặc hiệu và xuất viện sau đó.

ton-thuong-phoi-do-nhiem-giun-luon-39346303815427225437642.jpg

Tổn thương phổi hoại tử hai bên của người bệnh.

Người bệnh thứ 2 là nam, 69 tuổi, sống tại Tiền Giang, tiền căn ung thư thanh quản, đến khám bệnh vì ăn kém, nôn ói, đau bụng, ho và khó thở trong 10 ngày.

Người bệnh được chụp phim cắt lớp vi tính ngực và ổ bụng, ghi nhận hẹp môn vị có thể do ký sinh trùng và tổn thương phổi hoại tử hai bên, sau đó được nội soi phế quản chẩn đoán. Kết quả dịch phế quản ghi nhận ký sinh trùng nghi giun lươn. Người bệnh được xác chẩn nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột có biến chứng hẹp môn vị trên cơ địa ung thư thanh quản và điều trị đặc hiệu theo phác đồ.

Qua hai ca bệnh trên, ta có thể thấy nhiễm giun lươn là một bệnh thường gặp, có thể xảy ra trên nhiều hệ cơ quan khác nhau, diễn biến bất thường và nặng nề, đặc biệt ở những người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu, từ đó có thể thấy dự phòng và phát hiện, điều trị sớm bệnh rất quan trọng.

Giun lươn có tên khoa học là Strongyloides spp., trong đó loài hay gây bệnh ở người là Strongyloide stercoralis. Nhiễm giun lươn là tình trạng nhiễm ký sinh trùng thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Việt Nam.

Người bệnh có thể bị nhiễm khi tiếp xúc với ấu trùng giun lươn trong đất hoặc khi trứng giun nở trong ruột và tự sinh sôi. Ấu trùng giun lươn không chỉ gây bệnh ở đường tiêu hóa mà còn có thể xâm nhập vào phổi và các cơ quan khác, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Để phòng tránh nhiễm giun lươn cần giữ vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng. Ăn chín uống sôi, tránh thức ăn sống, tái. Dùng giày dép khi tiếp xúc đất, cát. Khám sàng lọc nếu có triệu chứng nghi ngờ./.

Bài liên quan
Các chuyên gia đến từ đại học Toronto (Canada) cho biết thời điểm con người bắt đầu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề hơn so với việc thiếu ngủ.
Các chuyên gia đến từ đại học Toronto (Canada) cho biết thời điểm con người bắt đầu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề hơn so với việc thiếu ngủ.
Việc hiểu rõ tác động và áp dụng biện pháp phòng tránh nắng nóng và ngập lụt đô thị sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu rủi ro.
14/02/2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra 40 nhiệm vụ lớn nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
14/02/2025
Chiều 18/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 của 84 trường tư thục và công lập tự chủ tài chính năm 2025.
14/02/2025
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) vừa công bố phát hiện hợp chất tự nhiên silybin có khả năng ức chế sự phát triển của ung thư gan.
14/02/2025
Tin mới