Vừa qua, tại Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam - Trung Quốc - Asean 2025 Tập đoàn T&T hợp tác với Cospower (Trung Quốc) triển khai dự án Nhà máy sản xuất pin lưu trữ hàng đầu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang khu vực và thế giới.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án có công suất khoảng 2 GWh/năm và dự kiến vận hành trong năm 2026, giai đoạn 2 sẽ được triển khai sau giai đoạn 1 từ 2-3 năm, góp phần nâng tổng công suất của dự án đạt khoảng 10 GWh/năm.
Sản phẩm liên doanh sẽ ra mắt thị trường vào năm 2026, đón đầu nhu cầu lắp đặt tích hợp pin lưu trữ cho các dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam sau khi có các quy định và khung pháp lý rõ ràng về giá điện từ pin lưu trữ và tỷ lệ lắp đặt.
Chia sẻ về những thách thức trong phát triển pin năng lượng - lĩnh vực hoàn toàn mới và khó, mà hiện chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam làm được, đại diện T&T Group cũng cho biết, trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực pin lưu trữ khoảng hơn 10 năm nay, nên các dòng sản phẩm, các thương hiệu của họ khá là mạnh. Vì vậy, áp lực cạnh tranh của thị trường cũng là không nhỏ.
Việt Nam vẫn được đánh giá là có tiềm năng và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh vừa được ban hành giữa tháng 4/2025 cũng đưa ra nhiều mục tiêu tham vọng trong phát triển năng lượng tái tạo với điện gió và điện mặt trời thời gian tới.
Cụ thể, theo quy hoạch điều chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW, tức tăng thêm khoảng 20.000 MW so với Quy hoạch điện VIII được ban hành tháng 5/2023. Con số tăng thêm về điện gió này cũng chưa bao gồm 6.000 MW điện gió ngoài khơi được ghi trong kế hoạch.
Cùng với phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề lưu trữ năng lượng cũng được quan tâm nhiều hơn trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh vừa ban hành với quy định phát triển điện mặt trời tập trung phải kết hợp với lắp đặt pin lưu trữ với tỷ lệ tối thiểu 10% công suất và tích hợp trong 2 giờ.
Hiện T&T Group đã thiết lập cơ chế hợp tác chiến lược với một số nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị của Trung Quốc như GEDI thuộc Tập đoàn China Energy, Goldwind, Envision… để đồng hành từ rất sớm ở nhiều giai đoạn quan trọng, giúp chủ động lựa chọn các dự án hiệu quả và đảm bảo tiến độ đầu tư./.