VTV.vn - Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai cảnh báo xuất hiện những văn bản mạo danh về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Ngày 1/10, trả lời phóng viên VTV Times, bà Võ Thị Ái Liễu – Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, Sở Y tế Đắk Nông chưa hề có ban hành văn bản nào như trên mạng xã hội xuất hiện.
"Hiện tại đơn vị đã báo cáo vụ việc cho cơ quan công an để làm rõ thông tin như nội dung văn bản xuất hiện trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu những doanh nghiệp, người dân cần tỉnh táo và liên hệ với nhà chức trách xử lý những kẻ giả mạo tài liệu nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc mục đích vi phạm pháp luật", bà Liễu thông tin.
Tại Đắk Lắk, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cũng vừa phát hiện văn bản xuất tương tự như các tỉnh khác.
Văn bản giả mạo nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho hay, các văn bản có nội dung tương tự nhau. Tuy nhiên, nhìn kỹ các văn bản có nhiều chỗ kẻ xấu đánh chữ nhầm.
"Tôi đề nghị mọi người thận trọng khi nhận được văn bản của kẻ xấu. Mọi người khi nhận những văn bản như trên cần báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Ngoài ra, mọi người có thể xem các văn bản, liên quan đến ngành y tế thì vào web của Sở Y tế để nắm thông tin cụ thể hơn. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk không ban hành văn bản với hình thức Thông báo như trên. Đây là hành vi giả mạo văn bản của Nhà nước nhằm mục đích lừa đảo", ông Nay Phi La thông tin.
Còn Sở Y tế Gia Lai cho biết, đơn vị không có ra văn bản như trên mạng xã hội vừa xuất hiện. Hiện tại, Sở Y tế tỉnh này cũng đã trình báo cơ quan công an để xử lý các trường hợp vi phạm.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thủ đoạn của các đối tượng sau khi được kết bạn Zalo sẽ gửi một số tài liệu mạo danh Sở Y tế ký ban hành đến các cơ sở kinh doanh như quyết định và thông báo của Sở Y tế về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Để tạo niềm tin cho các chủ cơ sở, các đối tượng đã lấy mẫu hình thức tương tự văn bản của cơ quan nhà nước để cắt ghép. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ văn bản sẽ dễ nhận ra là giả mạo do văn bản có nhiều lỗi chính tả và sai chức danh người ký ban hành.
"Đây là thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội giả danh cơ quan chức năng nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để yêu cầu các chủ cơ sở chuyển tiền để "lo lót" với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản", lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Văn bản giả mạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai của kẻ xấu xuất hiện trên mạng xã hội.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh, Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo trên. Nếu nhận được thông báo như trên hãy liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tố tụng hình sự… để thông báo, mời làm việc.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... không chuyển tiền cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Ngoài ra, khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!