Dù đã tham gia 20 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đã có hiệu lực, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc khai thác hiệu quả lợi ích từ các hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu.
Tại các hội nghị đánh giá kết quả thực thi FTA, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng cơ bản thống nhất 5 nguyên nhân chính khiến họ chưa thể khai thác tối đa các ưu đãi mà FTA mang lại.
Vướng mắc đầu tiên là vấn đề về nguồn nguyên liệu. Đây là rào cản lớn đối với cả doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, do chất lượng, chi phí và đặc biệt là tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường có FTA.
Thứ hai, doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin về thị trường, khách hàng và các kênh kết nối thương mại. Đại diện Công ty Tư vấn KTPC cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất lúng túng trong việc tìm kiếm đơn hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động như năm 2023.
Tiếp đó là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và tín dụng. Theo khảo sát của VCCI, có tới 55,6% doanh nghiệp gặp trở ngại trong vay vốn phục vụ sản xuất, đầu tư xuất khẩu. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đánh giá, khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam không thể tiếp cận các nguồn tài chính cần thiết.
Nguyên nhân thứ tư là doanh nghiệp còn yếu trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn, phát triển bền vững và giảm phát thải carbon từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Cuối cùng, chiến lược xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chỉ chú trọng vào sản xuất mà chưa đầu tư phát triển thương hiệu, dẫn đến sức cạnh tranh kém trên thị trường quốc tế, dù chất lượng sản phẩm không thua kém hàng ngoại.
Để vượt qua các rào cản này, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần xác định rõ thị trường trọng tâm và hiệp định thương mại muốn tận dụng. Từ đó mới xây dựng được chiến lược phù hợp để giải quyết từng nhóm vấn đề. Cụ thể, nếu doanh nghiệp nhắm đến thị trường EU, bên cạnh giá cả, chất lượng, sản phẩm cần truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo quy trình sản xuất chuẩn. Đồng thời, doanh nghiệp cần biết tìm kiếm khách hàng ở đâu, nguồn tín dụng nào hỗ trợ xuất khẩu sang EU, và nếu muốn xây dựng thương hiệu lâu dài thì phải kết nối với ai. Thực tế, quá trình tận dụng các FTA đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nghiêm túc về nguồn lực, quản trị và cả tầm nhìn dài hạn. Đây là điều không dễ dàng với phần lớn các doanh nghiệp nhỏ hiện nay.
Trước những thách thức nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, tổ chức xúc tiến thương mại tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm và chương trình đào tạo chuyên sâu, thực tiễn hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, nâng cao năng lực và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình khai thác FTA thành công.
Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tốt hơn các FTA, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.