Người dùng nên duy trì thói quen xóa thư mục trống để giải phóng bộ nhớ và thường xuyên khởi động lại thiết bị, giúp smartphone hoạt động mượt mà và hiệu quả hơn.
Xóa thư mục trống để giải phóng bộ nhớ
Theo thời gian, smartphone dễ dàng tích tụ các thư mục trống sau khi cập nhật phần mềm hoặc gỡ cài đặt ứng dụng. Dù không chiếm quá nhiều dung lượng, những thư mục này có thể làm bộ nhớ máy trở nên lộn xộn, gây khó khăn trong việc quản lý tệp tin. Thậm chí, các thư mục rác này còn có thể khiến thiết bị của bạn bị chậm lại.
Đối với các thiết bị Android, người dùng có thể xóa các thư mục trống thủ công, hoặc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ như Empty Folder Deleter để cải thiện khả năng phản hồi của máy.
Với iPhone, do hạn chế của hệ điều hành, Apple không cho phép các ứng dụng truy cập vào toàn bộ hệ thống tệp. Vì vậy, người dùng cần thực hiện thủ công các thao tác dọn dẹp này. Do đó, sau mỗi lần cài đặt lại thiết bị hoặc khi khôi phục cài đặt gốc, người dùng nên hình thành thói quen xóa các thư mục rác để duy trì hiệu suất tối ưu cho chiếc smartphone của mình.
Sửa lỗi ứng dụng bằng cách xóa bộ nhớ đệm
Trong quá trình sử dụng smartphone, không ít lần người dùng gặp phải tình trạng ứng dụng bị lỗi hoặc ngừng hoạt động. Phần lớn người dùng thường nghĩ ngay đến việc gỡ cài đặt và cài lại ứng dụng. Tuy nhiên, không phải lúc nào hành động này cũng cần thiết.
Hầu hết các ứng dụng đều lưu trữ dữ liệu tạm thời vào bộ nhớ đệm nhằm tăng tốc độ hoạt động. Tuy nhiên, theo thời gian, các tệp tin này sẽ dần tích tụ và có thể gây ra các vấn đề về hiệu suất, làm chậm ứng dụng. Việc xóa bộ nhớ đệm sẽ giúp loại bỏ những tệp tin tạm thời này mà không ảnh hưởng đến dữ liệu cá nhân của người dùng trong ứng dụng, đồng thời giúp khắc phục nhanh chóng những sự cố phổ biến mà không cần phải cài lại ứng dụng.
Thường xuyên khởi động lại máy
Khởi động lại máy được xem là một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất giúp smartphone hoạt động nhanh hơn, đồng thời khắc phục các sự cố phần mềm hoặc lỗi nhỏ. Bên cạnh việc giải phóng bộ nhớ, khởi động lại thiết bị còn giúp ngừng các tiến trình nền không cần thiết, sửa các lỗi phần mềm và cải thiện tốc độ xử lý của máy.
Hơn nữa, khởi động lại máy còn có thể giúp ngăn ngừa các mối đe dọa từ tin tặc và kẻ lừa đảo, bảo vệ thiết bị của bạn khỏi các hành vi xâm nhập trái phép. Mặc dù quá trình khởi động lại có thể gây chút bất tiện do mất vài phút, nhưng đây là thói quen được nhiều chuyên gia công nghệ khuyến nghị thực hiện thường xuyên để duy trì hiệu suất và bảo mật cho smartphone.
Cải thiện tín hiệu mạng, dữ liệu di động bằng Chế độ Máy bay
Ngoài việc khởi động lại thiết bị, việc tắt và bật Chế độ Máy bay (Airplane Mode) cũng là một cách hiệu quả để cải thiện tình trạng sóng di động yếu hoặc dữ liệu chậm. Chế độ này sẽ vô hiệu hóa tất cả các kết nối không dây, buộc điện thoại của bạn phải kết nối lại với các trạm phát sóng di động và mạng Wi-Fi khi chế độ này được tắt. Nói cách khác, đây giống như một nút "khởi động lại" dành riêng cho hệ thống kết nối trên điện thoại, giúp cải thiện hiệu suất mạng.
Tiết kiệm pin với Chế độ tối
Chế độ tối (Dark Mode) là một tính năng được nhiều trang công nghệ khuyến nghị sử dụng để giảm căng thẳng cho mắt và tiết kiệm pin. Khi bật Dark Mode, giao diện của điện thoại và nhiều ứng dụng sẽ chuyển từ nền sáng sang nền tối (thường là màu đen hoặc xám), giúp giảm mức độ sáng trung bình của màn hình (APL). Nếu kết hợp với hình nền đen đơn giản, bạn không chỉ giảm mỏi mắt mà còn tiết kiệm pin hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hình nền tối cũng giúp chữ và biểu tượng trở nên nổi bật hơn, vì màn hình sẽ phân bổ độ sáng nhiều hơn cho những điểm ảnh này. Điều này đặc biệt hữu ích khi sử dụng điện thoại ngoài trời.
Kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại
Rất nhiều ứng dụng hiện nay được thiết kế với mục đích giữ người dùng ở lại lâu hơn, khiến họ bị cuốn vào vòng lặp vô hạn và tiêu tốn quá nhiều thời gian. Để giải quyết vấn đề này, hầu hết các hãng smartphone đều trang bị công cụ quản lý thời gian sử dụng màn hình, giúp người dùng theo dõi và thậm chí đặt giới hạn sử dụng.
Các công cụ này có tên gọi khác nhau tùy theo hệ điều hành: trên điện thoại Android (như Samsung, Google...), tính năng này được gọi là Digital Wellbeing, còn trên iPhone, nó được gọi là Screen Time. Dù tên gọi có sự khác biệt, nhưng tính năng của chúng về cơ bản là giống nhau - cung cấp thống kê về cách bạn sử dụng điện thoại, từ đó hỗ trợ bạn cân bằng thời gian sử dụng hiệu quả hơn.
Tùy chỉnh thông báo để quản lý hiệu quả
Việc cài đặt và tùy chỉnh thông báo cho từng ứng dụng theo nhu cầu cá nhân là một trong những thói quen mà PhoneArena cho là "có thể làm tốt nhất cho chính mình". Khi nhận được thông báo, người dùng có thể ngay lập tức xác định được thông báo đó có đến từ ứng dụng quan trọng hay không, từ đó quyết định có nên xem ngay hay bỏ qua, giúp tiết kiệm thời gian và giảm bớt sự xao nhãng.
Mặc dù người dùng có thể tận dụng các tính năng như Chế độ Tập trung (Focus Mode) trên thiết bị Apple để đạt được kết quả tương tự, việc cài đặt thông báo thủ công cho từng ứng dụng sẽ giúp đảm bảo tính nhất quán và phù hợp hơn với thói quen sử dụng cá nhân.