Thay vì tận hưởng những kỳ nghỉ đáng mơ ước, không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi muốn thanh lý hợp đồng. Những điều khoản mập mờ, thủ tục rắc rối và các công ty môi giới thiếu minh bạch đã biến giấc mơ nghỉ dưỡng thành cơn ác mộng tài chính, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần chồng chất.
Những năm gần đây, mô hình sở hữu kỳ nghỉ nở rộ tại Việt Nam với những lời quảng cáo hấp dẫn về những chuyến du lịch sang trọng, chi phí tối ưu và quyền lợi lâu dài. Tuy nhiên, thay vì tận hưởng những kỳ nghỉ đáng mơ ước, không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi muốn thanh lý hợp đồng.
Những điều khoản không rõ ràng, thủ tục rắc rối và các công ty môi giới thiếu minh bạch đã biến giấc mơ nghỉ dưỡng thành cơn ác mộng tài chính, đẩy nhiều khách hàng vào cảnh nợ nần chồng chất.
Thời gian qua, nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến hợp đồng dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn (sở hữu kỳ nghỉ) được người dân phản ánh. Nội dung chủ yếu của các phản ánh là khó khăn trong việc chuyển nhượng hợp đồng, cho thuê lại kỳ nghỉ; đề nghị được hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn đã ký và yêu cầu bên bán hoàn trả lại giá trị hợp đồng đã thanh toán.
Nhận thấy nhu cầu chuyển nhượng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch của khách hàng là miếng “bánh béo bở” nhiều công ty sở hữu kỳ nghỉ cũng đã mọc lên nhận thanh lý hợp đồng chuyển nhượng hoặc cho thuê lại hợp đồng giúp khách hàng. Tuy nhiên công ty này lại không thực hiện được những gì cam kết mà còn yêu cầu họ phải đóng thêm nhiều khoản tiền hay phải mua thêm hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mới thì mới có thể được thanh lý hợp đồng.
Vòng xoáy tài chính không lối thoát?
Gia đình anh N.T.L quận Đống Đa (Hà Nội), là một trong số những khách hàng của hình thức này. Ban đầu, anh và vợ ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với một công ty có tên là Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma). Sau đó, một đơn vị khác tự xưng là đơn vị tiếp quản lại hợp đồng của Công ty TNHH du lịch tập đoàn Areana Việt Nam (Areana) liên hệ, thông báo rằng hợp đồng cũ của anh thuộc diện cần xử lý lại.
Hợp đồng gia đình anh L kí với công ty Areana
Theo anh L, gia đình anh ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với công ty Alma với giá trị hợp đồng 30% là 85,5 triệu đồng nhưng sau đó gia đình anh không có nhu cầu sử dụng nữa muốn thanh lý hợp đồng thì được nhân viên bên công ty Areana liên hệ tư vấn nhận là đơn vị tiếp quản lại hợp đồng của công ty Alma để xử lý những hợp đồng tồn đọng cũ.
Nhân viên này tư vấn, nếu muốn được thanh lý hợp đồng cũ thì phải chuyển sang hợp đồng mới của công ty Areana với gói thấp nhất là 230 triệu. Tức là gia đình anh L sẽ phải đóng thêm 144,5 triệu đồng để đủ số tiền 230 triệu đồng, nhân viên này cam kết sau 2 tháng hợp đồng sẽ được thanh lý. Tin vào những lời cam kết, hứa hẹn của nhân viên, vợ chồng anh L đã tiếp tục đóng số tiền 144,5 triệu đồng cho công ty Areana.
Anh L chia sẻ với PV Thị Trường 24h những bức xúc trong việc thanh lý hợp đồng với công ty Areana
“Họ hứa là sẽ làm hợp đồng thanh lý và khoảng 2 tháng sau là mình sẽ được thanh lý hợp đồng và mình sẽ lấy lại được tiền. Nhưng đến bây giờ nửa năm rồi vẫn chưa lấy lại được tiền”, anh chia sẻ với Thị Trường 24h.
Thế nhưng, đã nửa năm trôi qua, lời hứa thanh lý hợp đồng vẫn chưa được thực hiện, tiền cũng chẳng thể lấy lại. Anh L nhiều lần tìm đến trụ sở công ty Areana để đòi lại số tiền thì được nhân viên hứa hẹn hết lần này đến lần khác, nhân viên tư vấn cũ đã chặn mọi liên lạc của vợ chồng anh.
Sau nhiều lần tới trụ sở công ty, người tự xưng là giám đốc tên Đặng Tuấn Anh (áo đen) mới ra tiếp anh L
Tìm đến trụ sở công ty để đòi quyền lợi, sau nhiều lần anh L cũng gặp được người tự xưng là Đặng Tuấn Anh, giám đốc công ty Areana, người này thừa nhận hợp đồng vợ chồng anh L đúng là đã ký với công ty Areana. Tuy nhiên người này né tránh giải quyết và trả lời vòng vo, lại khẳng định không liên quan gì đến công ty Alma và hẹn đến lần sau sẽ giải quyết.
“Em bảo như này nhá, em sẽ hẹn anh vào một buổi, tại vì bây giờ em cũng đang có việc em phải đi, em sẽ hẹn anh một buổi làm việc trực tiếp và chính thức, chứ em không nắm rõ về cái hợp đồng hay là như thế nào”, giám đốc công ty Areana từ chối giải quyết.
Anh L thất thần ra về sau rất nhiều lần không đòi lại tiền như đã cam kết
Tưởng chừng sau khi đã hẹn lịch làm việc cụ thể, anh L sẽ có cơ hội gặp gỡ đại diện công ty để giải quyết vấn đề hợp đồng. Tuy nhiên, đến đúng ngày như đã hẹn theo lịch thì phía công ty Areana lại từ chối gặp với lý do chưa sắp xếp được công việc.
Khi nhân viên tư vấn hóa “chuyên gia tài chính"
Trong vai người có nhu cầu chuyển nhượng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của công ty Alma, phóng viên tìm đến công ty Areana trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Một nam nhân viên sale giàu kinh nghiệm tiếp đón chúng tôi, dẫn vào phòng chờ kín rộng khoảng 50m², với tiếng nhạc du dương tạo cảm giác thư giãn.
Khi biết khách hàng cần thanh lý, chuyển nhượng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, thay vì đưa ra giải pháp cụ thể, nhân viên này lại tập trung giới thiệu mô hình kinh doanh của công ty bằng những lời lẽ hấp dẫn về quyền lợi và dịch vụ.
Nhân nam sale chia sẻ: “Bên em hoạt động theo mô hình tương tự Alma, sở hữu khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế tại Cam Ranh, Khánh Hòa, ngay cạnh khu nghỉ dưỡng Alma. Thay vì trao đổi kỳ nghỉ qua hệ thống chung, bên em chủ động thuê lại căn hộ nghỉ dưỡng từ các chủ sở hữu và các khu nghỉ dưỡng khác để tạo hệ thống liên kết. Điều này giúp khách hàng có nhiều lựa chọn nghỉ dưỡng linh hoạt, thuận tiện và tiết kiệm chi phí hơn”.
Nhân viên nam tận tình tư vấn
Rõ ràng, thay vì hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề thanh lý hợp đồng, công ty này lại hướng họ vào một mô hình sở hữu kỳ nghỉ khác, tiếp tục thu hút bằng những lời hứa hẹn về sự linh hoạt và tối ưu chi phí.
Nhân viên này còn cam kết: “Bên em thì làm việc mọi thứ đều thông qua giấy tờ, cam kết hoàn tiền và tiến độ thanh toán và phải có hợp đồng cụ thể, hợp đồng ràng buộc đôi bên chứ sẽ không có kiểu gọi là trao đổi miệng với nhau”.
Ngoài ra nhân viên còn khẳng định Areana là đơn vị trực tiếp hỗ trợ khách hàng rút ngắn thời gian hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của công ty Alma chuyển từ 30 năm xuống 10 năm với giá 290 triệu.
"Việc hỗ trợ chị phụ thuộc vào quỹ hoàn tiền của bên em. Nếu quỹ còn, bên em có thể hỗ trợ chị. Ngược lại, nếu quỹ đã hết, bên em không thể nhận lại căn tuần của chị. Tuy nhiên, khi quỹ còn, bên em chắc chắn sẽ thu mua lại. Ví dụ, trước đây chị mua căn này hơn 300 triệu, giờ chị có thể thu về khoảng 400 triệu, lãi hơn 100 triệu, trong khi vẫn có 10 kỳ nghỉ (10 năm) để sử dụng",nhân viên nam nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhân viên này còn nhấn mạnh rằng khách hàng cần quyết định nhanh để không bỏ lỡ cơ hội:
"Trên phương diện em bảo chị là người nhà với em ấy! Nếu được thì em sẽ hỗ trợ cho chị trước để làm cái booking, tránh trường hợp là các gia đình khác người ta lên xin hỗ trợ, lúc đấy hết quỹ thì em lại không hỗ trợ được chị".
Thoạt nghe, lời tư vấn mang tính chất ưu đãi hấp dẫn, tạo cảm giác rằng khách hàng đang nhận được một "cơ hội vàng" để vừa thu hồi vốn, vừa có thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là sự mập mờ của cái gọi là "quỹ hoàn tiền". Không có bất kỳ cam kết pháp lý nào đảm bảo khách hàng chắc chắn nhận lại tiền, mà tất cả phụ thuộc vào việc "quỹ còn hay hết". Điều này đồng nghĩa với việc công ty có toàn quyền quyết định ai sẽ được hưởng lợi và ai không – một yếu tố mà khách hàng hoàn toàn không kiểm soát được.
Vậy, quỹ hoàn tiền này có thực sự tồn tại hay chỉ là một chiêu trò marketing để thuyết phục khách hàng tiếp tục đóng tiền?
Câu hỏi đặt ra: Nếu thật sự có lợi cho khách hàng, tại sao họ không được nhận tiền hoàn trước mà lại phải trả tiền mua hợp đồng mới? Liệu đây có thực sự là "hỗ trợ thanh lý hợp đồng" hay chỉ là một cách biến khách hàng thành người tiếp tục đóng tiền cho một mô hình tài chính kéo dài?
Khi thấy khách hàng còn do dự, nhân viên tiếp tục đưa ra những lợi ích hấp dẫn nhằm củng cố quyết định ký hợp đồng. Lúc này, con số 290 triệu không còn đơn thuần là chi phí mua hợp đồng 10 năm, mà được “biến hóa” thành một khoản đầu tư có lời.
“Nếu trong trường hợp mà chị không đi chơi, đi nghỉ, thì em sẽ hỗ trợ cho chị thuê, 4-5tr/ngày, chị cho thuê 8 ngày 7 đêm thì sẽ có lãi luôn là 35 triệu, nhân 10 năm là 355 triệu”, nhân viên nam sale thúc giục.
Khi khách hàng tỏ vẻ tin tưởng và chuẩn bị ký hợp đồng, một nhân viên nữ khác, tự xưng là nhân viên phòng hợp đồng, bước vào. Người này cầm theo một tập hợp đồng dày, nhiều trang với vô số điều khoản, kèm theo một tờ giấy được cho là “cam kết hoàn tiền”. Nhân viên này nhanh chóng lật từng trang, chỉ vào những phần chính và hối thúc khách hàng ký tên và chuyển khoản.
Công ty liên tục thay đổi người tư vấn, hết nhân viên sale đến quản lý để nhanh chóng chốt hợp đồng
Tuy nhiên khi khách hàng đặt câu hỏi về quyền lợi – nếu đã đóng tiền mua hợp đồng nhưng không nhận được tiền hoàn lại thì sao – nhân viên lập tức đưa ra một tờ giấy và khẳng định đó là “cam kết hoàn tiền và tiến độ thanh toán”.
Giấy xác nhận công ty Areana đưa đến khách hàng
Đáng chú ý là trên tờ giấy này không hề có cụm từ “cam kết hoàn tiền” như lời nhân viên nói, mà chỉ là một “xác nhận đặt chỗ” với nội dung sơ sài, chỉ nhắc đến việc khách hàng được “hỗ trợ” chuyển hợp đồng từ 30 năm xuống 10 năm, nhưng không có bất kỳ điều khoản ràng buộc nào về việc nếu công ty không hoàn tiền thì sẽ xử lý ra sao.
Quan trọng hơn, khách hàng được yêu cầu thanh toán 50% khoản “ưu tiên” ngay từ ngày ký, mà không có bất kỳ đảm bảo nào cho số tiền hoàn lại. Vậy ai thực sự được bảo vệ trong giao dịch này? Liệu đây có phải là một hình thức tạo niềm tin giả để thúc giục khách hàng xuống tiền nhanh chóng?
Từ những tình huống thực tế mà anh L và nhiều khách hàng khác đã trải qua, có thể thấy rằng việc thanh lý hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ không hề dễ dàng như những lời hứa hẹn ban đầu. Thay vì hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề, một số công ty lại tìm cách kéo dài thời gian, né tránh trách nhiệm hoặc thậm chí dẫn dụ khách hàng vào những hợp đồng mới với những điều khoản không rõ ràng.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu những "quỹ hoàn tiền" và "cơ hội đầu tư sinh lời" mà các công ty này đưa ra có thực sự tồn tại, hay chỉ là một chiến thuật để tiếp tục giữ chân khách hàng? Khi không có bất kỳ cam kết pháp lý nào đảm bảo quyền lợi cho người mua, khách hàng rất dễ rơi vào vòng xoáy tài chính không lối thoát .