Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, vụ việc 3.000 tấn giá đỗ sử dụng hóa chất độc hại được phát hiện tại Đắk Lắk thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Nông nghiệp và lĩnh vực an toàn thực phẩm, không phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ Công thương.
Chiều 07/01/2025, trong buổi họp báo thường kỳ quý IV/2024 tại Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời báo chí về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong vụ việc phát hiện gần 3.000 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất độc hại tại tỉnh Đắk Lắk. Ông cho biết, vụ việc này không thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương mà nằm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, do ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm chính.
Theo ông Tân, lực lượng quản lý thị trường chịu trách nhiệm theo dõi lưu thông hàng hóa và phối hợp với các cơ quan liên ngành để rà soát và kiểm tra. Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị quản lý thị trường theo dõi sát sao diễn biến, tăng cường kiểm tra để ngăn chặn hàng hóa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Vụ việc được lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện khi đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP. Buôn Ma Thuột. Tại hiện trường, hơn 20 tấn giá đỗ đã ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine bị thu giữ. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bao gồm các dị tật bẩm sinh, nguy cơ não úng thủy ở thai nhi, và trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong nếu tiêu thụ với lượng lớn.
Trong năm 2024, ước tính các cơ sở này đã sản xuất và bán ra thị trường gần 2.900 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất, với sản lượng trung bình từ 8 đến 10 tấn mỗi ngày. Phần lớn số lượng giá đỗ được phân phối tại chợ đầu mối Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, sau đó cung cấp cho nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, một trong các cơ sở vi phạm là Lâm Đạo còn ký hợp đồng cung cấp từ 350 đến 400kg giá đỗ mỗi ngày cho hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 4 vụ án, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Các đối tượng này đều trú tại TP. Buôn Ma Thuột.
Để xử lý triệt để, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk khẩn trương rà soát, báo cáo thông tin về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, các biện pháp truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm vi phạm cũng được triển khai quyết liệt nhằm đảm bảo không để tình trạng tương tự tái diễn.
Vụ việc 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn là lời cảnh báo về sự thiếu kiểm soát trong sản xuất và phân phối thực phẩm tại một số địa phương. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành chức năng và các địa phương để ngăn chặn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng./.