Khi trẻ bị ốm, việc điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ là quan trọng, nhưng chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò thiết yếu. Cung cấp đầy đủ dưỡng chất không chỉ giúp trẻ tăng sức đề kháng, phục hồi nhanh hơn mà còn hạn chế nguy cơ suy dinh dưỡng, đảm bảo sự phát triển toàn diện sau này.
Thời điểm giao mùa với thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi hệ miễn dịch của các bé còn non yếu. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng gia tăng, khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng nếu không được chăm sóc đúng cách. Khi trẻ bị ốm, việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp trẻ nhanh hồi phục mà còn hạn chế nguy cơ suy dinh dưỡng và giúp cơ thể có đủ sức đề kháng để chống lại bệnh tật.
Theo các chuyên gia, khi trẻ sốt, ho, tiêu chảy hay mắc các bệnh nhiễm trùng khác, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn bình thường, trong khi đó trẻ lại thường biếng ăn, chán ăn. Điều này có thể dẫn đến sụt cân nhanh chóng, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài. Vì vậy, bên cạnh điều trị y tế, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Một chế độ ăn hợp lý không chỉ giúp trẻ duy trì thể trạng mà còn hỗ trợ tổng hợp các thành phần miễn dịch quan trọng. Ví dụ, sắt đóng vai trò trong quá trình sản sinh tế bào miễn dịch Lympho T để chống lại virus, trong khi kẽm giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Khi trẻ ốm, cha mẹ nên tăng cường số lần bú và kéo dài thời gian mỗi lần bú để đảm bảo trẻ nhận đủ dưỡng chất. Nếu trẻ bị nghẹt mũi hoặc quá mệt không bú được, mẹ có thể vắt sữa ra để cho trẻ uống bằng thìa.
Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ, cần bổ sung thêm thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa và các loại thực phẩm giàu vitamin. Khi chế biến, nên làm thức ăn mềm hơn, nấu kỹ, loãng hơn bình thường để trẻ dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, các loại trái cây như cam, chanh, chuối, xoài, đu đủ... cũng rất quan trọng vì giúp bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường đề kháng. Đặc biệt, cha mẹ không nên kiêng khem quá mức, bởi các thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh đều có lợi cho sức khỏe của trẻ.
Trẻ bị tiêu chảy cần được uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước ngọt có ga hay các thực phẩm chứa nhiều đường vì có thể khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Đồng thời, nên tránh các loại thực phẩm nhiều chất xơ, khó tiêu như ngô, đậu vì có thể làm tăng gánh nặng tiêu hóa.
Trong quá trình chăm sóc trẻ ốm, cha mẹ cũng cần kiên nhẫn và dành nhiều thời gian hơn để dỗ dành, giúp trẻ ăn uống tốt hơn. Đối với trẻ bị nghẹt mũi, viêm đường hô hấp, nên làm thông thoáng mũi trước khi cho ăn để trẻ không cảm thấy khó chịu khi bú mẹ hoặc ăn dặm.
Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách là yếu tố quan trọng giúp trẻ nhanh hồi phục và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sau này. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát sao, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời và kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp trẻ mau chóng khỏe mạnh./.