AI đang mở ra một chương mới cho giáo dục, nơi người thầy được tiếp sức bởi công nghệ để cá nhân hóa giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện…
Giáo dục Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình sâu sắc với sự hiện diện ngày càng rõ nét của trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu trước đây, công nghệ chỉ được xem như công cụ phụ trợ, thì nay, AI đang thực sự tái định nghĩa cách dạy và học trong nhà trường.
Đặc biệt, mô hình ứng dụng AI tại Trường THCS Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã minh chứng rõ ràng cho việc công nghệ không còn là khái niệm viển vông mà đang góp phần kiến tạo tương lai giáo dục.
Khi bài giảng được "cá nhân hóa" bằng công nghệ
Tại Trường THCS Phù Linh, lớp học không còn là không gian truyền thống với bảng đen và phấn trắng. Thay vào đó, AI đang được tích hợp vào từng tiết học, từng nội dung bài giảng. Các công cụ như trợ lý ảo, chatbot học tập, phần mềm nhận diện giọng nói... đã giúp giáo viên thiết kế nội dung học tập linh hoạt, tùy chỉnh theo năng lực và tiến độ của từng học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hương Giang, một trong những giáo viên tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cho biết, AI giúp cô tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc chuẩn bị bài giảng.
"Tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để trao đổi với học sinh, hỗ trợ các em một cách sát sao. Học sinh yếu được hướng dẫn chi tiết, còn các em khá giỏi có thể tiếp cận các nội dung nâng cao phù hợp với năng lực", cô Giang nói.
Khác với phương pháp một chiều trước đây, giáo viên nay có thể "đo ni đóng giày" từng phần kiến thức cho học sinh. Sự linh hoạt này không chỉ giúp học sinh tiếp cận bài học hiệu quả hơn mà còn giảm áp lực học tập, từ đó khơi gợi được sự hứng thú và chủ động.
Đáng chú ý, không chỉ hỗ trợ trong nội dung, AI còn thay đổi vai trò của giáo viên, từ người "truyền thụ" kiến thức sang người đồng hành, định hướng. Theo cô Nguyễn Thị Lan Anh – giáo viên tại Trường THCS Phù Linh, hệ thống bài giảng tích hợp AI giúp học sinh dễ dàng ôn tập, tự học và theo dõi tiến bộ của chính mình. Giáo viên cũng có công cụ để giám sát, điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp với từng em.
Dù AI không thể thay thế người thầy, nhưng sẽ là công cụ mạnh mẽ giúp người thầy phát huy tốt hơn vai trò dẫn dắt. ''Công nghệ rất hữu ích, nhưng cách vận dụng như thế nào lại phụ thuộc hoàn toàn vào tư duy và sự linh hoạt của giáo viên", cô Lan Anh khẳng định, đồng thời cũng cho biết, không còn cảnh giáo viên loay hoay trong hàng chồng giáo án, sổ điểm và bảng tổng hợp, AI đã giúp họ giải phóng sức lao động trí tuệ ở những phần việc máy móc, để tập trung hơn vào chuyên môn và phát triển năng lực cho học sinh.
AI bước vào công tác quản lý nhà trường
Không dừng lại ở lớp học, Trường THCS Phù Linh còn mạnh dạn đưa AI vào các khâu quản lý giáo dục. Từ xây dựng thời khóa biểu thông minh, phân tích điểm số, đánh giá quá trình học tập của từng học sinh cho đến theo dõi sĩ số, hành vi học đường, tất cả đều được số hóa và tự động hóa dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Thầy Vũ Trường Sơn – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ứng dụng AI giúp quản lý nhà trường trở nên bài bản, minh bạch và hiệu quả hơn. Dữ liệu học tập được xử lý nhanh chóng, giúp giáo viên nắm bắt tình hình học sinh và đưa ra điều chỉnh kịp thời. Phụ huynh cũng dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của con em mình.
Tuy nhiên, theo thầy Sơn, thành công của mô hình không đến từ công nghệ đơn thuần mà phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên.
"AI chỉ phát huy hiệu quả nếu người sử dụng nó, chính là giáo viên chịu khó học hỏi và sáng tạo trong cách ứng dụng. Chúng tôi tổ chức nhiều buổi tập huấn, trao đổi nội bộ để giáo viên nâng cao kỹ năng công nghệ, biến AI thành công cụ thân thiện thay vì trở ngại", thầy Sơn nhấn mạnh.
Việc triển khai thành công AI trong lớp học tại Trường THCS Phù Linh đã nhận được sự quan tâm từ ngành giáo dục địa phương. Cô Trần Thị Thanh Huế – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, đánh giá đây là bước đi mang tính đột phá.
Cô Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng Giáo dục huyện Sóc Sơn.
"AI đã chứng minh vai trò hỗ trợ hiệu quả trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình này tới các trường khác trong huyện" – cô Huế nói nhưng cũng lưu ý rằng, dù AI mang lại nhiều lợi ích, nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy. "Giáo viên vẫn là nhân tố quyết định, là người truyền cảm hứng và dẫn dắt học sinh. AI chỉ là công cụ hỗ trợ và chỉ phát huy giá trị khi nằm trong tay những người thầy tận tâm, sáng tạo" - Cô Trần Thị Thanh Huế nhấn mạnh.
Có thể thấy, trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, mô hình lớp học kết hợp AI như tại Trường THCS Phù Linh không chỉ là lời đáp cho bài toán đổi mới giáo dục, mà còn mở ra hướng đi dài hạn để xây dựng một thế hệ học sinh năng động, sáng tạo và sẵn sàng thích ứng với tương lai.
Khi thầy cô không còn đơn độc trong hành trình gieo tri thức, mà có sự đồng hành của công nghệ, lớp học sẽ không chỉ đổi mới, mà còn có thể trở thành nơi khởi nguồn cho những công dân toàn cầu của thời đại số./.