Những năm trở lại đây, huyện Quản Bạ trở thành điểm sáng của tỉnh Hà Giang trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa gắn với liên kết trong bao tiêu sản phẩm. Do đó, đã mở ra những hướng đi bền vững cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện, tạo bước chuyển mình rõ nét trong việc thực hiện tái cơ cấu lại nền nông nghiệp ở địa phương.
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Thực hiện nhất quán quan điểm “Nông thôn là nền tảng; nông nghiệp là động lực; nông dân là trung tâm, chủ thể”; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, huyện Quản Bạ phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa “thay vì bán những thứ mình có, lĩnh vực nông nghiệp sẽ bán những thứ thị trường cần, làm chủ mùa vụ và cơ cấu giống cây trồng”.
Anh Ngũ Chính Phú, tại thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ đã mạnh dạn thuê lại diện tích đất ruộng của nhân dân trong thôn để trồng 20ha cây khoai tây. Diện tích cây khoai tây của anh được gieo trồng từ tháng 1 năm 2025 đến nay phát triển tốt và đang đến độ chăm sóc, vun luống. Anh Phú cho biết: “Trước đó, qua trồng thử nghiệm thấy rằng năng suất cây khoai tây đạt trung bình 15 tấn/ ha, giá bán từ 11 nghìn đồng - 12 nghìn đồng/kg. Sau 03 tháng trồng cây khoai tây sẽ cho thu hoạch, toàn bộ sản phẩm nông sản của tôi đã được liên kết bao tiêu sản phẩm tại các chợ đầu mối ở thị trường Hà Nội. So với trồng cây ngô và cây lúa thì cây khoai tây được giá thành, năng suất tốt, đầu tiêu thụ và thu nhập ổn định hơn. Kết thúc vụ khoai tây, gia đình tôi tiếp tục thực hiện cải tạo đất để trồng cây ngô ngọt và cây dưa chuột”.
Giờ đây tư duy của người nông dân ở huyện Quản Bạ về làm giàu từ lĩnh vực nông nghiệp không chỉ dừng lại ở sự cần cù, chịu khó mà còn là kiến thức về trồng trọt. Khác với trồng đại trà, sản xuất nông nghiệp ở huyện Quản Bạ được người dân tính toán kỹ lưỡng về vụ mùa, chủ yếu hướng tới trồng cây rau mùa trái vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường và nông sản đạt giá tốt. Chị Lù Thị Mai, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 4 năm nay, so với các cây trồng đơn thuần như Ngô, lúa thì trồng cây rau, màu trái vụ thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Hiện trên 7.000 mét vuông đất ruộng của gia đình vụ năm nay tôi sẽ thực canh tác luân phiên 03 vụ rau gồm trồng cà chua, dưa chuột, bí ngồi quả tròn, các diện tích rau, màu của tôi được liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp ở thị trường miền xuôi. Năm 2024, trừ chi phí thu nhập từ trồng rau của gia đình trên 350 triệu đồng”.
Năm 2024 phải khẳng định là năm đột phá của huyện Quản Bạ trong liên kết sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao được gần 1.400ha; trong đó chuyển đổi hoàn toàn trên 105ha sang trồng cây cà chua, cây chè, cây ăn quả ôn đới, chuyển đổi theo cơ cấu mùa vụ 1.250ha sang trồng cây rau, đậu, dưa chuột, lạc, đậu tương. Toàn huyện đã triển khai liên kết với doanh nghiệp với tổng 335ha, 620 hộ tham gia vào trồng cây Dưa chuột, cây Cà Chua, cây Ớt, cây Cà tím... Các đầu mối liên kết đã thu mua khoảng 11.300 tấn rau, củ, quả trên địa bàn huyện cung ứng về thị trường các thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngoài ra nông nghiệp của huyện Quản Bạ còn được xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Malaysia... tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 62,3 tỷ đồng.
Trong đó, được mệnh danh là lá cờ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng Ngô kém hiệu quả sang trồng cây rau màu có giá trị kinh tế cao gắn với bao tiêu sản phẩm tại huyện Quản Bạ phải kể đến xã Quyết Tiến, xã Nghĩa Thuận. Từ đó bức tranh nền nông nghiệp ở 02 địa phương này đã có bước khởi sắc nổi bật, nhất là tạo các vùng trồng rau, màu có quy mô tập trung.
Vùng trồng cây dưa chuột liên kết tại huyện Quản Bạ
Hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa
Lợi ích từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đã đem lại nguồn thu nhập khá cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện Quản Bạ những năm trở lại đây. Mặt khác tác động mạnh mẽ làm thay đổi cơ bản tư duy đã an sâu vào tiềm thức của người dân với sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp, tự phát chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp quy mô, hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và liên kết trong bao tiêu sản phẩm.
Ông Phạm Ngọc Pha, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: “UBND huyện Quản Bạ chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và định hướng Nhân dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây Ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao gắn với liên kết trong bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra. Từ các cơ chế, chính sách của các Dự án thuộc 03 chương trình Mục tiêu quốc gia, địa phương lồng ghép để hỗ trợ Nhân dân triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bước đầu chúng tôi đã xây dựng thành công các vùng trồng rau, màu tập trung có quy mô và liên kết trong bao tiêu sản phẩm tại các xã Quyết Tiến, Tùng Vài, Nghĩa Thuận.”.
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây Ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao phải khẳng định rằng đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Đặc biệt người dân ở huyện Quản Bạ có sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lĩnh vực Nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa. Tạo động lực trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương”. Ông Phạm Ngọc Pha thông tin thêm.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, về lĩnh vực nông nghiệp huyện Quản Bạ phấn đấu thực hiện mục tiêu “Nông nghiệp sạch- Nông nghiệp thông minh- Nông nghiệp hàng hóa”. Qua đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm ; tạo mối quan hệ trao đổi hàng hóa giữa điểm cung cấp là người nông dân với doanh nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân tại địa phương.