Việc mua sắm online đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân. Và mua sắm Tết online cũng không còn xa lạ.
Thị trường mua sắm Tết online đã bắt đầu trở nên sôi động. Từ đồ trang trí Tết, thực phẩm, trái cây, thậm chí là cả mâm cỗ đều có thể được tìm thấy trên các sàn thương mại điện tử, mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết.
Việc mua sắm online đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân. Và mua sắm Tết online cũng không còn xa lạ. Đó là do sự bùng nổ của những nền tảng thương mại điện tử, xu hướng công nghệ và quá trình chuyển đổi số cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng từ mua sắn trực tiếp sang trực tuyến.
Cuối năm là thời điểm bận rộn của nhiều người, chị Quyên cũng không ngoại lệ. Làm việc cho một tổ chức nước ngoài, lịch công việc của chị Quyên luôn dày đặc. Dù vậy, sắm Tết là điều không thể thiếu đối với chị. Năm nay việc "đưa Tết về nhà" của chị Quyên luôn có sự hỗ trợ đắc lực từ chiếc máy tính.
Chị Phạm Đỗ Quyên - TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Công việc không có giờ giấc cụ thể làm cho tôi không có thời gian để đi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng. Hiện tại, nhờ các trang mạng điện tử, tôi có thể đặt trực tiếp các sản phẩm về quà bánh mứt Tết".
Đối với giới văn phòng, xu thế mua đồ Tết online cũng trở nên phổ biến.
Chị Trần Thị Bích Trâm - Nhân viên văn phòng chia sẻ: "Tranh thủ thời gian rảnh sẵn trên máy, tôi tranh thủ lướt sàn thương mại điện tử để mua sắm để có thể tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể trong việc mua sắm Tết".
Thời điểm này, các nhà cung cấp đang chuẩn bị lượng hàng để bán cho dịp Tết. So với cách thức bán hàng truyền thống, doanh nghiệp này cho biết, lượng hàng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử chiếm tới 90%.
Anh Trần Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Natural House nêu ý kiến: "Tết đến thì thông thường lượng người mua hoặc oder sẽ tăng từ 1,5 đến 2 lần. Những mặt hàng bán chạy là các mặt hàng chăm sóc nhà cửa, lau dọn. Các mặt hàng chuẩn bị cho Tết cũng có sức tăng trưởng rất nhanh".
Đa dạng sản phẩm với nhiều mức giá, nhưng nhìn chung Tết này mặt hàng giỏ quà Tết được bày bán trên các sàn thương mại điện tử với giá từ 300.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng tuỳ mẫu mã sản phẩm. Xu hướng năm nay mặt hàng Việt chiếm ưu thế.
Bên cạnh những khuyến mãi hấp dẫn người mua hàng, các sàn thương mại điện tử cũng chú trọng việc bảo vệ khách hàng thông qua việc kiểm soát hàng hóa đầu vào chặt chẽ để bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch.
Anh Phạm Đức Sơn - Trưởng bộ phận Quản lý nhà bán hàng và Phát triển kinh doanh, Shopee Việt Nam nhận định: "Chúng tôi có những chính sách để bảo vệ người tiêu dung: đảm bảo hoàn hàng, trả tiền trong vòng 15 ngày, bảo mật thông tin của người mua, có những gian hàng chính hãng nhằm nâng cao trải nghiệm của người mua một cách rất an toàn, để người mua yên tâm mua sắm".
Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ: Trung bình mỗi người Việt mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng, tần suất này trong dịp tết càng cao hơn. Dự kiến quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 24 tỷ USD vào năm 2025, đánh dấu một bước nhảy vọt đáng kể so với hiện tại. Ngay từ thời điểm này, cả người bán, người mua và các sàn thương mại điện tử đã chuẩn bị tâm thế cho mùa Tết Ất Tỵ, hứa hẹn sẽ trở nên sôi động hơn trong một vài tuần tới.