Chiều 26/3, tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức chương trình hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam tại Quảng Ninh".
Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài. Về phía tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu tham dự bao gồm: Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Ấn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt trên 21%, tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành đạt trên 8,6 tỷ USD. Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Hưng đang được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm trong thời gian tới.
Quảng Ninh hiện đang báo cáo Trung ương khởi động lại Dự án đầu tư Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, hoàn thành trước năm 2030, đồng thời đẩy sớm lộ trình đầu tư đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái trước năm 2030. Những dự án này không chỉ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ, mà còn mở ra cơ hội, triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành đường sắt, thúc đẩy sản xuất linh kiện, thiết bị đầu máy, toa xe, hệ thống điện, ray, cảm biến điều khiển… ngay tại địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, năng lực sản xuất, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững.
Để hiện thực hóa tiềm năng, triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn qua hội thảo sẽ thu góp được ý kiến giá trị, mở ra những tư duy mới, tầm nhìn mới, hiểu biết mới về xu hướng, giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để kết nối cung cầu, thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giữa nhà nước và khu vực tư nhân, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp; giúp tỉnh Quảng Ninh định hình chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách bài bản, đúng hướng, hiệu quả. Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ đồng hành, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế, chính sách ổn định, hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng phát biểu tại buổi hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Tình hình cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất ngày càng gia tăng; công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt trong nước và đã đạt được một số thành tựu quan trọng; nổi bật là: Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng tăng; đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe máy, ô tô con, xe tải, xe khách; một số sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy, thiết bị công nghiệp và sản phẩm gia công cơ khí không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư vào công nghệ CNC, tự động hóa, robot, in 3D và trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đặc biệt, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã phát triển mạnh mẽ, trở thành những đơn vị dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô, góp phần đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước; đồng thời, tiến sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt của nước ta nói riêng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước.
Công nghiệp đường sắt chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho đường sắt hiện hữu với công nghệ cũ; hầu hết các thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy hoạch mạng lưới đường sắt trong tương lai.
Với vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khá đồng bộ và hiện đại, với nguồn tài nguyên và lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo gắn với sản xuất, lắp ráp ô tô và phát triển công nghiệp đường sắt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại chương trình
Tại buổi hội thảo, các ý kiến thảo luận gần như thống nhất về nhận định, tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành đường sắt là rất lớn. Tuy nhiên, để đạt được những bước phát triển đột phá hơn nữa trong các lĩnh vực này, đòi hỏi phải giải quyết được những khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực và sự liên kết trong chuỗi cung ứng. Các đại biểu đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó có đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách hấp dẫn, đủ mạnh, khả thi nhằm đẩy mạnh việc tiếp thu, từng bước làm chủ công nghệ, tạo động lực mới thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo nói riêng phát triển nhanh, bền vững.
Các đại biểu tập trung vào các ý kiến thảo luận
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt trong nước và đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Song cũng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới cần phải tập trung, quyết liệt triển khai một số giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tạo đột phá về cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, ô tô, đường sắt. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia; hình thành hệ sinh thái và chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh; tiếp tục phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với đó, xây dựng các chương trình, dự án để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm và có kết quả cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp hỗ trợ; tếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển lĩnh vực này. Từ đó, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo nói riêng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.