Lực lượng chức năng tại Lạng Sơn tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả xâm nhập nội địa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng kinh doanh.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, tình trạng vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 60.000 vụ, phát hiện và xử lý 40.000 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt gần 800 tỷ đồng. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới có dấu hiệu gia tăng. Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, lực lượng Hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng vi phạm.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Quốc tế Hữu Nghị, cho biết: "Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro nhằm phát hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan để thẩm lậu vào nội địa."
Song song với đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng đẩy mạnh kiểm tra các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn. Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, hàng giả và hàng nhái.
Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ kiểm tra, mà còn tuyên truyền trực tiếp quy định của pháp luật đến bà con kinh doanh, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật."
Ngoài ra, công tác kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu vào nội địa cũng được tăng cường. Nhiều phương tiện cài cắm hàng nhập lậu, hàng giả và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã bị phát hiện.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, khẳng định: "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Hải quan, Biên phòng và các lực lượng chức năng để kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới. Trong nội địa, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và vật tư nông nghiệp đều được giám sát kỹ lưỡng."
Cùng với nỗ lực của các lực lượng chức năng ngay tại các tỉnh biên giới, cũng rất cần sự phối hợp của các tỉnh phía trong nội địa để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn bán vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Quyết liệt chống hàng giả dịp cuối năm
Những tháng cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trở nên phức tạp. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo lực lượng QLTT trên cả nước đẩy mạnh công tác phòng, chống vi phạm, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), lực lượng QLTT phát hiện 3.000 lon nước tăng lực có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mở rộng điều tra, một cơ sở sản xuất tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị phát hiện với số lượng lớn sản phẩm mang nhãn hiệu RedBlue giả, đang chuẩn bị đưa ra thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT, chia sẻ: "Chúng tôi đã theo dõi rất lâu và ngăn chặn hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm trước khi chúng đến tay người tiêu dùng. Điều này cho thấy sự phối hợp tốt giữa chủ thể quyền và QLTT có thể mang lại hiệu quả đáng kể."
Kể từ ba năm nay, Tổng cục QLTT đã triển khai kế hoạch ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc trên cả kênh truyền thống lẫn thương mại điện tử.
Ông Trương Đình Minh, Đội trưởng Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội, nhấn mạnh: "Dịp cuối năm, tình trạng buôn bán hàng giả gia tăng. Chúng tôi tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cửa hàng vi phạm, đồng thời tập trung kiểm soát khâu lưu thông và điểm tập kết hàng hóa."
Ngoài ra, QLTT còn đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Đức Lê cho biết: "Chúng tôi đã có kế hoạch cao điểm trước, trong và sau Tết, tập trung vào các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc để người dân có một cái Tết an lành."
Để các đợt cao điểm này có hiệu quả rất cần được triển khai đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc. Có vậy quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng được bảo vệ, hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đằng.
Các cơ quan chức năng sẽ tập trung truy quét kho hàng giả, giám sát chặt kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, Facebook, TikTok.Cùng với đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng hóa, và chung tay nói không với hàng giả, tránh tiếp tay cho hàng giả có đất sống.