Một trong những lý do khiến nhiều học sinh, dù không muốn vẫn phải đi học thêm là vì: Có đi học thêm mới làm được đúng dạng bài kiểm tra trên lớp.
Học thêm, dạy thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, phụ huynh. Thế nhưng, khi không thực hiện trên sự tự nguyện mà tìm cách ép buộc thì cần phải quản lý. Một trong những lý do khiến nhiều học sinh, dù không muốn vẫn phải đi học thêm là vì: Có đi học thêm mới làm được đúng dạng bài kiểm tra trên lớp.
Như vậy, để ngăn chặn tiêu cực trong dạy thêm, thì việc kiểm tra đánh giá phải có sự thay đổi, đánh giá năng lực của học sinh, chứ không phải kiểm tra những kiến thức học vẹt, khuôn mẫu.
Một phụ huynh có 2 con đang đi học cho biết, con mình không muốn học thêm cô giáo dạy trên lớp. Nhưng không muốn thì vẫn phải học vì ở lớp học thêm mới bám sát được đề kiểm tra giữa kỳ hay cuối kỳ.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận có hiện tượng này. Hiện nay chương trình GDPT mới đã có nhiều cách đánh giá học sinh thường xuyên, liên tục chứ không chỉ phụ thuộc vào một vài bài kiểm tra.
Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, phải tiếp tục đổi mới giữa kiểm tra đánh giá thường xuyên với cuối cùng, đảm bảo kiểm tra không quá khó, đánh đố, phải đi học thêm mới làm được.
Nhiều trường học đã thay đổi. Kiểm tra đánh giá học sinh thường xuyên qua các dự án, bài tập nhóm. Còn với các thi giữa kỳ, cuối kỳ thì có ma trận đề thi.
Tuy nhiên, đây là đánh giá đại trà cho mọi học sinh trên cả nước. Còn rất nhiều kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Những kỳ thi cạnh tranh cao như thi vào lớp 10 công lập. Tuyển sinh đại học có thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển thí sinh phù hợp. Như vậy, nhu cầu học thêm sẽ vẫn tiếp tục.
Từ năm nay, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thay đổi. Môn Ngữ văn sẽ không lấy văn bản đã học trong sách giáo khoa mà có thể lấy từ nhiều nguồn bên ngoài. Học sinh phải thực sự dùng vốn hiểu biết, quan điểm của mình để làm bài. Đó là một cách tác động ngược trở lại việc kiểm tra đánh giá ở các trường, cũng như mục đích việc học thêm./.