TikTok chính thức ngừng hoạt động tại Mỹ từ ngày 19/1 do lệnh cấm từ chính quyền, gây hoang mang cho người dùng và các doanh nghiệp liên quan.
Từ 0h ngày 19/1, người dùng TikTok tại Mỹ nhận được thông báo ứng dụng ngừng hoạt động:
"Đạo luật cấm TikTok đã có hiệu lực tại Mỹ, đồng nghĩa bạn không thể sử dụng TikTok lúc này. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý định hợp tác để tìm giải pháp khắc phục. Hãy chờ đợi".
Trước đó, TikTok đã thông báo ngừng hoạt động tại Mỹ, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực khôi phục dịch vụ sớm nhất. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden ban hành Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng nước ngoài (PAFACA) vào tháng 4/2024, yêu cầu TikTok cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance hoặc đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn. Hạn chót được đặt ra là ngày 20/1/2025, trùng thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
TikTok hiện có 170 triệu người dùng tại Mỹ, chiếm một nửa dân số. Việc nền tảng này ngừng hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến người dùng cá nhân mà còn gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp và đối tác dịch vụ như Apple, Google, Oracle, và hàng loạt đơn vị quảng cáo. Sự biến mất của TikTok khiến nhiều người dùng chuyển hướng sang các nền tảng khác như Instagram, Facebook, Snap, và ứng dụng RedNote từ Trung Quốc.
Trong phát biểu ngày 18/1, ông Trump cho biết có thể trì hoãn lệnh cấm TikTok thêm 90 ngày, nhưng chưa đưa ra quyết định chính thức. Nếu được thông qua, TikTok sẽ có thêm thời gian hoàn tất các thỏa thuận pháp lý để tách khỏi ByteDance, dự kiến hoàn tất vào giữa tháng 4.
Một kịch bản khác là ông Trump sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ giảm mức độ ưu tiên hoặc không thực thi đạo luật. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn không đủ để bảo vệ các đối tác liên quan như các kho ứng dụng và dịch vụ dữ liệu. Hiện tại, tương lai của TikTok tại Mỹ vẫn phụ thuộc vào chính sách và thỏa thuận mới giữa các bên.
Các chuyên gia nhận định, nếu TikTok không thể khôi phục tại Mỹ, đó sẽ là một tổn thất lớn cho nền kinh tế số và mối quan hệ thương mại quốc tế./.