VTV.vn - Những chiếc xe tự lái không còn chỉ trong phim ảnh hay trí tưởng tượng mà đã xuất hiện ngoài đời thực, tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Những chiếc siêu xe tự lái trong loạt phim bom tấn Transformer đã làm cho bao khán giả mê mẩn suốt 16 năm qua. Tuy nhiên, những hình ảnh đó không chỉ có trong phim ảnh hay trong tưởng tượng. Xe tự lái đã xuất hiện ngoài đời thực, tại một số quốc gia trên thế giới và cả ở Việt Nam.
Các cấp độ của xe tự lái
Một chiếc xe ô tô tự lái hoàn hảo là không cần ai lái cả, nó sẽ tự đi. Đấy là trong trường hợp "hoàn hảo". Nhưng hiện nay, con người chưa chế tạo ra được chiếc xe "hoàn hảo" như vậy.
Do đó, Hiệp hội Kỹ sư ô tô Mỹ đã chia ra 6 cấp độ như sau:
Các cấp độ của xe tự lái
Cấp độ 0: Xe không có các tính năng tự động, chỉ có các hệ thống cảnh báo như cảnh báo buồn ngủ, cảnh báo va chạm… Phần lớn các mẫu xe hơi phổ biến trên thị trường hiện nay đều là những phương tiện thuộc nhóm này.
Cấp độ 1: Xe chỉ có 1 tính năng hỗ trợ tự động như phanh tự động hoặc tự động điều chỉnh tốc độ di chuyển.
Cấp độ 2: Xe tự lái một phần, hỗ trợ điều khiển theo cùng lúc 2 hệ thống chấp hành trên xe như vừa điều khiển lái vừa điều chỉnh tốc độ tự động.
Cấp độ 3: Xe tự lái có điều kiện, có tài xế - hỗ trợ điều khiển tự hành trong một khu vực nhất định nhưng vẫn cần sự giám sát của lái xe.
Cấp độ 4: Xe tự lái có điều kiện, không tài xế - xe tự lái hoàn toàn trong một khu vực nhất định và người lái không cần giám sát khi xe làm việc.
Cấp độ 5: cấp độ cao nhất, đó là xe tự lái không điều kiện. Chiếc xe hoàn toàn tự động di chuyển và xử lý tình huống theo thời gian thực mà không cần người lái.
Được di chuyển trên một chiếc xe hoàn toàn tự động mà mình không phải làm gì cả, thoải mái thư giãn là điều rất thú vị. Hiện nay, các hãng công nghệ đang hợp tác cùng các hãng xe hơi hàng đầu trên thế giới để hiện thực hóa điều này.
Sự an toàn cho xe tự lái
Mặc dù xe tự lái có cơ hội mang lại nhiều lợi ích - từ trải nghiệm lái xe an toàn hơn đến giảm tắc nghẽn trong các thành phố, tuy nhiên, sự hiện diện của những chiếc xe tự lái cũng làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn của những chiếc xe này.
Đầu năm 2018, một chiếc xe thử nghiệm của Uber đã gây tai nạn và làm thiệt mạng một người qua đường ở Arizona (Mỹ). Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về một người đi bộ tử vong liên quan đến xe tự lái.
Thêm vào đó, xe hơi của Tesla cũng đã gây ra tai nạn chết người vào tháng 5/2016 và tháng 3/2018 trong khi đang kích hoạt chế độ lái tự động. Trong cả hai tình huống, người lái xe đều tử vong.
Không chỉ vấn đề an toàn, rõ ràng có nhiều thách thức đặt ra đối với các nhà sản xuất để xe tự lái được chấp nhận rộng rãi.
Triển vọng của xe tự lái tại Việt Nam
Tại Việt Nam, công nghệ xe tự lái cũng bước đầu được nhiều đơn vị triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên, với những đặc thù về hạ tầng, phương tiện giao thông, rõ ràng vẫn còn nhiều thách thức để chúng ta có thể trông thấy những chiếc xe tự lái trên đường phố Việt Nam.
Một chiếc xe tự lái gồm 3 phần chính. Phần cơ khí bao gồm thân vỏ, động cơ, máy móc thiết bị…như những chiếc xe thông thường nhưng có khả năng điều khiển thông minh. Phần thứ hai là hệ thống các cảm biến: camera, radar, lidar… để thu thập dữ liệu vẽ bản đồ đường đi, giám sát vị trí và khoảng cách của các phương tiện xung quanh, xác định và tránh các vật cản… Phần thứ ba là hệ thống xử lý thông tin đóng vai trò như bộ não của chiếc xe, tiếp nhận và xử lý thông tin mà các cảm biến thu thập được, sau đó gửi đi những tín hiệu để điều khiển chiếc xe. Như vậy, để có một chiếc xe tự lái, cần phát triển rất nhiều công nghệ đi kèm.
Mẫu xe tự hành thông minh "Made in Viet Nam"
Xe máy, ô tô di chuyển ngang dọc thì xe liên tục cảnh báo và thậm chí là nó ngắt chế độ tự hành đi. Những chiếc xe này chưa đủ thông mình và có lẽ là chưa đủ dữ liệu để có thể hiểu được tình huống và đưa ra quyết định.
Ông Bùi Đình Giáp - CEO của Akabot, FPT Telecom - cho biết: "Rõ ràng, chúng ta thừa nhận với nhau là bài toán tự hành ở Việt Nam khó hơn ở nước ngoài và nếu như chúng ta cứ tập trung vào một cái bài toán quá khó như thế thì không hiệu quả về mặt kinh doanh. Công nghệ mà có phát triển đến mấy thì việc kinh doanh cũng là rất quan trọng. Vì thế, tôi nghĩ là chúng ta nên có những bước đi từng bước một".
Ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO của công ty Alpha Asimow Robotics - cho rằng: "Hiện giờ, trên thế giới, các công nghệ tự hành đã khá là phát triển và dự kiến là 5 - 10 năm nữa thì các xe trên đường gần như sẽ tự hành. Tại Việt Nam hiện nay thì các điều kiện giao thông nó khó khăn hơn nên việc phát triển sẽ hơi chậm hơn".
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, việc giao thông phức tạp ở Việt Nam có thể mang lại cơ hội cho các nhóm nghiên cứu. Bởi nếu giải quyết được các vấn đề hiện tại, các bài toán giao thông tại Việt Nam, chiếc xe của Việt Nam có thể vận hành ở bất cứ môi trường nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!