Hiện nhiều trường học tại Trung Quốc đã đưa nội dung trí tuệ nhân tạo vào dạy ngay từ cấp tiểu học.
Trong đó, một trọng tâm của ngành giáo dục Trung Quốc là đưa các nội dung về trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy trong trường học. Hiện nhiều trường học tại Trung Quốc đã đưa nội dung trí tuệ nhân tạo vào dạy ngay từ cấp tiểu học.
Tại một trường học ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, thế hệ GenZ đang làm quen với một robot trí tuệ nhân tạo hình người, tương lai của giáo dục được xác định lại. Những học sinh tiểu học và trung học phổ thông tại đây rất đầy tò mò về trí tuệ nhân tạo và robot hình người.
Ông Phong Chấn Vũ - Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Robot thông minh Tứ Xuyên, Trung Quốc - cho biết: "Chúng ta có thể nhìn thấy tương lai rất rõ ràng. Trong 10 hoặc 20 năm nữa, đối với những học sinh tiểu học và trung học phổ thông này, chắc chắn các em sẽ phải đối mặt với thế giới trí tuệ nhân tạo khi bắt đầu làm việc. Tương lai quyết định các em phải học trí tuệ nhân tạo từ bây giờ".
Cách sử dụng lập trình trí tuệ nhân tạo để chế tạo robot nhỏ đã trở thành một khóa học bắt buộc ở một số trường tiểu học. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển các ngành cơ bản, nơi tài năng sẽ được trau dồi phù hợp với các quy luật và mô hình khoa học.
Ông Hoài Tiến Bằng - Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc - thông tin: "Chúng tôi sẽ củng cố Chương trình Nền tảng vững chắc và tăng cường nỗ lực nuôi dưỡng tài năng trong các ngành cơ bản cốt lõi. Trong các lĩnh vực như toán học và khoa học máy tính, là nền tảng và phù hợp với nhu cầu chiến lược quốc gia, chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các khóa học cốt lõi, thúc đẩy khả năng đổi mới cốt lõi, xây dựng đội ngũ giảng viên cốt lõi và biên soạn tài liệu giảng dạy cốt lõi".
Từ thành phố danh lam thắng cảnh, Hàng Châu đã trở thành Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Nơi đây có nhiều trường Đại học uy tín, như Đại học Chiết Giang thường được so sánh với Đại học Stanford danh giá của Mỹ.
Chính quyền thành phố đã nỗ lực hết sức để giữ chân sinh viên tốt nghiệp giỏi ra trường bằng việc cung cấp trợ cấp tài năng, trợ cấp tiền thuê nhà và thậm chí là trợ cấp mua nhà - với mức cao nhất lên tới 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,1 triệu USD).
Ông Vương Lập Thịnh - Phó Giám đốc Khu phát triển công nghiệp công nghệ cao Hàng Châu, Trung Quốc - bày tỏ: "Chúng tôi luôn tự hỏi: Chúng ta nên đặt nền tảng nào cho sự phát triển của khu công nghệ cao trong 5 đến 10 năm tới? Không còn nghi ngờ gì nữa, chìa khóa chính là đổi mới công nghệ. Nó phụ thuộc vào các khoản đầu tư mà chúng ta thực hiện ngày hôm nay để nuôi dưỡng các công ty công nghệ nhỏ, ngay cả khi kết quả không thể nhìn thấy ngay lập tức. Ai biết được trong 5 năm nữa, một trong số họ có thể phát triển thành một công ty như Unitree. Khi đó, các thế hệ tương lai sẽ gặt hái được thành quả từ những hạt giống mà chúng ta đang gieo trồng ngày hôm nay".
Không riêng Hàng Châu, các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến… cũng đang nỗ lực trở thành thành phố công nghệ, thành phố trí tuệ nhân tạo./.