Những quy định mới từ thị trường chính là một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm nay.
Thách thức xuất khẩu năm 2025
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm nay so với 2024 được Bộ Công Thương đặt ra khoảng 10 - 12% so với năm 2024. 12% tức là mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu phải tăng tương ứng 4 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ.
Đặc biệt, năm 2025 sẽ có nhiều thách thức nhất là ở 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Khi Ủy ban châu Âu sẽ xem xét việc tăng danh mục hàng hóa chịu sự điều chỉnh của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định chống phá rừng (EUDR) và nhiều quy định mới với các sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ dự báo cũng khó đoán định bởi những biến động chính sách thương mại khi bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới.
Ông Frederic Neumann - Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - Ngân hàng HSBC cho biết: "Những thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 có thể được dự báo thông qua một số thị trường chính. Chi tiêu của người tiêu dùng tại Mỹ có thể chậm lại một chút. Hoạt động sản xuất ở châu Âu cũng giảm. Do đó, một số chỉ số chính mà chúng ta đang xem xét cho thấy chu kỳ thương mại sẽ hạ nhiệt. Tất nhiên, những biến động này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam".
Tăng chất - Động lực cho xuất khẩu năm 2025
Với những thách thức mới của năm nay, định hướng của Chính phủ đó là phải làm mới, tăng chất, tăng động lực cho ba trụ cột tăng trưởng của quốc gia, trong đó có xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng nhận định nếu khả năng đáp ứng các yêu cầu mới càng nhanh, càng tốt thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng có cơ hội thay đổi về lượng và chất.
Những quy định mới từ thị trường chính là một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm nay. Ví dụ, sang tháng 2 tới đây EU sẽ điều chỉnh quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây nhập khẩu. Cách vượt rào cản tốt nhất là học luật chơi và tìm cơ hội.
Ông Vincent Gothknecht - Trưởng đại diện tại Việt Nam - Công ty I. Schroeder KG (Đức) đánh giá: "Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các đối tác Việt Nam và họ đều có thể tuân thủ các quy định mới này. Thực tế, có nhiều quốc gia ở khu vực đã không thể theo các quy định chặt chẽ của châu Âu. Vì vậy đây là cơ hội rất tốt khi nhiều nhà mua hàng từ EU có thể chọn Việt Nam là điểm đến để mua các sản phẩm nông sản chất lượng".Trong khi đó đối với dệt may, sự chuyển dịch đơn hàng từ một số quốc gia sang Việt Nam, đặc biệt là đơn hàng từ Trung Quốc là tín hiệu tốt, nhưng để nắm được cơ hội trong tầm tay không gì khác chính các doanh nghiệp cần "xanh hơn".
"Các đơn hàng có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam, tuy nhiên cũng chưa hẳn đó là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nếu chúng ta không chuẩn bị ngay từ đầu. Tại vì các tiêu chuẩn càng ngày càng khó của các nhà mua hàng ở tại châu Âu, ở Mỹ… Ở châu Âu người ta đã đưa ra rất nhiều điều luật để áp đặt làm sao giảm được dấu chân carbon ", bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn PPJ Group cho hay.
Bộ Công Thương nhận định đa dạng giải pháp xúc tiến xuất khẩu và đặc biệt là đa dạng thị trường để không bị phụ thuộc vào chỉ một số ít thị trường sẽ giúp doanh nghiệp hướng đến mục tiêu tăng trưởng của năm nay.
Trước mắt, Bộ Công Thương quyết liệt thực hiện các giải pháp như thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng các chính sách, khuôn khổ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường thực phẩm Halal, các thị trường mới từ khu vực Trung Đông, châu Phi.../.