Nhiều bậc phụ huynh đều biết rằng tiêu thụ quá nhiều đường không tốt cho trẻ, nhưng tác hại lâu dài của thói quen này vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Một nghiên cứu mới cho thấy, lượng đường hấp thụ khi còn nhỏ có thể để lại hậu quả đến tận tuổi trưởng thành, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và tiểu đường type 2.
Một nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí Science đã phát hiện rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường khi còn nhỏ không chỉ gây ảnh hưởng tức thời mà còn kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ em ăn quá nhiều đồ ngọt có nguy cơ mắc cao huyết áp và tiểu đường type 2 cao hơn đáng kể khi lớn lên. Điều này càng đáng lo ngại khi thói quen ăn nhiều đường hình thành từ nhỏ thường tiếp tục duy trì khi trưởng thành, khiến việc kiểm soát sức khỏe trở nên khó khăn hơn.
Những món đồ ngọt có sức hấp dẫn lớn với trẻ nhỏ.
Hiện nay, trẻ em tiêu thụ lượng đường vượt quá mức khuyến nghị do các sản phẩm có đường xuất hiện ở khắp nơi, từ bánh kẹo, nước ngọt đến ngũ cốc ăn sáng hay thậm chí là thực phẩm dành riêng cho trẻ nhỏ. Những món ăn này không chỉ hấp dẫn vì hương vị mà còn bởi màu sắc, kiểu dáng bắt mắt, khiến trẻ dễ bị thu hút.
Bên cạnh đó, việc người lớn thường xuyên tặng thưởng trẻ bằng đồ ngọt cũng vô tình củng cố thói quen tiêu thụ đường quá mức. Thành phần chứa đường trong thực phẩm chế biến lại rất đa dạng và đôi khi được ghi trên nhãn sản phẩm dưới nhiều tên gọi khác nhau, khiến không ít phụ huynh dù cẩn thận vẫn khó tránh khỏi việc mua phải những sản phẩm có lượng đường cao.
Không cần đợi đến khi trưởng thành, việc tiêu thụ đường quá mức từ sớm đã có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, sâu răng và thậm chí là tiểu đường type 2 ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thay đổi thói quen sử dụng đường không phải là điều dễ dàng, nhất là khi loại bỏ hoàn toàn đường khỏi chế độ ăn uống của trẻ là điều không thực tế.
Thay vào đó, phụ huynh có thể điều chỉnh lượng tiêu thụ một cách hợp lý hơn bằng cách hướng dẫn con cái nhận thức về thời điểm và mức độ ăn đồ ngọt sao cho phù hợp. Thực phẩm chế biến sẵn dù tiện lợi nhưng nếu trẻ được khuyến khích ăn nhiều thực phẩm nguyên chất và các bữa ăn tự làm, lượng đường tiêu thụ sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả khác là tập cho trẻ thói quen uống nước lọc thay vì đồ uống có đường, giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường nạp vào cơ thể ngay từ nhỏ./.