Thiếu máu thiếu sắt đang dần trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), đặc biệt ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh nở – nơi tập trung đông công nhân, sinh viên và dân số trẻ.
Theo thống kê từ Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, mỗi tháng có hơn 50 trường hợp mới được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt, trong đó phần lớn ở mức độ nhẹ. Đáng chú ý, phụ nữ từ 18 đến 45 tuổi chiếm đến một nửa số ca mắc. Các bác sĩ cho biết, nhiều trường hợp đến khám trong tình trạng mệt mỏi kéo dài nhưng không rõ nguyên nhân, dễ bị nhầm lẫn với căng thẳng công việc hoặc mất ngủ, khiến việc phát hiện và điều trị chậm trễ.
Trả lời phỏng vấn của Thời báo VTV, BSCKI. Bành Phúc Hậu, Khoa Nội tổng hợp, cho biết nguyên nhân phổ biến là do chế độ ăn uống thiếu khoa học, nhất là ở người ăn kiêng quá mức, phụ nữ bị rong kinh kéo dài hoặc mắc các bệnh phụ khoa chưa điều trị dứt điểm. Ngoài ra, di chứng hậu COVID-19 như rối loạn hấp thu, suy nhược cũng khiến nguy cơ thiếu máu ở người trẻ tăng cao. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, triệu chứng ban đầu rất mơ hồ, chỉ đến khi xuất hiện dấu hiệu rõ rệt như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tim đập nhanh, khó thở, móng tay hình thìa hay tóc rụng nhiều, người bệnh mới đi khám.
Một số trường hợp còn xuất hiện hội chứng pica – tức thèm ăn những vật lạ như đất hoặc đá. Đây là dấu hiệu đặc trưng, tuy không phổ biến nhưng có thể cảnh báo tình trạng thiếu sắt nghiêm trọng. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm như công thức máu, đo nồng độ ferritin huyết thanh và độ bão hòa transferrin (TSAT) để đánh giá mức dự trữ sắt và khả năng vận chuyển sắt trong máu.
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Với phụ nữ mang thai, việc bổ sung sắt mỗi ngày từ 30–60mg kèm acid folic là bắt buộc để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Đối với người cao tuổi, cần thăm khám kỹ lưỡng để loại trừ khả năng xuất huyết tiêu hóa – một trong những nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu ở nhóm này.
Để phòng tránh thiếu máu thiếu sắt, chuyên gia khuyến cáo người dân nên duy trì chế độ ăn giàu sắt, ưu tiên các thực phẩm như thịt đỏ, gan động vật, trứng và các loại rau lá xanh. Việc kết hợp thực phẩm giàu vitamin C như cam, ổi, súp lơ xanh trong bữa ăn sẽ giúp tăng khả năng hấp thu sắt. Đồng thời, nên tránh uống trà hay cà phê ngay sau khi ăn vì các chất trong đồ uống này có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm. Khám sức khỏe định kỳ là việc không thể bỏ qua, nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và người lớn tuổi.
Bác sĩ Phúc Hậu nhấn mạnh: “Người dân không nên xem nhẹ các dấu hiệu mệt mỏi hay chóng mặt kéo dài. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần tuân thủ chế độ bổ sung sắt đúng hướng dẫn của bác sĩ. Khi có bất kỳ biểu hiện nghi ngờ nào, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.”/.