Sau nhiều năm gián đoạn vì dịch bệnh, sắp tới tuyến tàu liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh sẽ chính thức được hoạt động lại, mở ra cơ hội mới cho du lịch, giao thương và kết nối văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Sau 5 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuyến tàu khách liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ chính thức được khôi phục từ ngày 25/5 tới. Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mỗi ngày sẽ có hai đoàn tàu mang số hiệu MR1 và MR2 hoạt động giữa ga Gia Lâm (Hà Nội) và ga Nam Ninh (Trung Quốc).
Cụ thể, tàu MR1 xuất phát từ ga Gia Lâm lúc 21h20, đến ga Nam Ninh vào 10h06 sáng hôm sau. Ở chiều ngược lại, tàu MR2 khởi hành từ ga Nam Ninh lúc 18h05 và đến ga Gia Lâm lúc 5h30 sáng hôm sau. Thủ tục xuất nhập cảnh được thực hiện tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) và Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), giúp hành khách tiết kiệm thời gian và di chuyển thuận tiện hơn.
Đặc biệt, từ ngày 27/5, hai nước sẽ tổ chức chuyến tàu chạy thẳng từ ga Gia Lâm đến ga Bắc Kinh Tây và ngược lại. Tàu khởi hành từ Hà Nội vào lúc 21h20 các ngày thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần, đến Bắc Kinh vào các ngày thứ Năm và Chủ Nhật. Ngoài ra, hành khách còn có thể mua vé đi tiếp đến các nước thứ ba bằng đường sắt tại các ga liên vận quốc tế trên lãnh thổ Trung Quốc.
Tại Việt Nam, vé tàu liên vận quốc tế được bán trực tiếp tại các ga Hà Nội, Gia Lâm, Bắc Giang và Đồng Đăng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cung cấp vé cho các chặng nội địa như Gia Lâm – Bắc Giang, Gia Lâm – Đồng Đăng và ngược lại.
Về giá vé, tuyến Hà Nội – Nam Ninh có mức giá khoảng 1 triệu đồng/lượt, còn tuyến Hà Nội – Bắc Kinh có giá khoảng 9,378 triệu đồng/lượt. Trẻ em dưới 4 tuổi được miễn phí, trẻ từ 4 đến dưới 12 tuổi được giảm 50% (mỗi người lớn được kèm 1 trẻ em). Đặc biệt, hành khách đi theo đoàn từ 6 người trở lên sẽ được giảm 25% giá vé.
Việc khôi phục tuyến tàu khách liên vận quốc tế không chỉ mở rộng thêm lựa chọn phương tiện di chuyển an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường cho người dân hai nước, mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhờ hệ thống đường sắt tốc độ cao phủ khắp Trung Quốc, hành khách sau khi đến Nam Ninh có thể dễ dàng tiếp tục hành trình đến bất kỳ tỉnh thành nào tại nước này.
Hoạt động này được triển khai căn cứ theo Hiệp định Đường sắt Biên giới Việt – Trung ký kết từ năm 1992. Trước đại dịch, tuyến Hà Nội – Nam Ninh từng được khai thác hằng ngày và thu hút lượng lớn hành khách. Đường sắt hai nước kỳ vọng sản lượng hành khách sẽ tăng mạnh sau khi dịch vụ được khôi phục, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng du lịch bằng tàu hỏa đang ngày càng được ưa chuộng.
Trong thời gian tới, căn cứ theo nhu cầu thực tế, ngành đường sắt hai nước sẽ tiếp tục đánh giá mật độ hành khách để điều chỉnh tần suất khai thác tàu phù hợp hơn với thị trường và nhu cầu du lịch – thương mại song phương./.