Ngày 11/5, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội cơ sở 2 (quận Nam Từ Liêm), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã tới dự và tham gia các hoạt động của sự kiện.
Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động là sự kiện lớn thường niên của thành phố Hà Nội, được tổ chức từ năm 2019 với quy mô và hiệu quả ngày càng mở rộng. Nếu như năm đầu tiên chỉ có khoảng 5.000 người tham gia thì năm nay, số lượng học sinh, người lao động đến với Ngày hội đã tăng gấp đôi, cho thấy sức hút ngày càng lớn của chương trình đối với cộng đồng.
Qua các năm tổ chức, mối liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ. Từ chỗ chỉ hợp tác với khoảng 300 - 400 doanh nghiệp mỗi năm, đến nay, con số này đã lên tới gần 1.000 doanh nghiệp tham gia tuyển sinh, đặt hàng đào tạo và hỗ trợ các hoạt động dạy nghề. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đạt từ 70% đến 80%, nhiều em thậm chí còn được nhận vào làm trước khi tốt nghiệp. Một số ngành nghề có tỷ lệ tuyển dụng sau tốt nghiệp lên tới 100%, như kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và công nghệ tự động hóa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Ngày hội năm nay nhằm tạo cầu nối hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh về định hướng nghề nghiệp, giúp các em tiếp cận cơ hội học tập và việc làm phù hợp. Sự kiện còn tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế, khám phá các ngành nghề, trong khi doanh nghiệp có thể tìm kiếm, tuyển chọn những nhân sự chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ông Trần Thế Cương cũng đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; chủ động đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo đặt hàng để nội dung giảng dạy sát với thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với học sinh, sinh viên, ông nhấn mạnh cần chủ động tìm hiểu, trải nghiệm và lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân.
Tại sự kiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đồng chí cũng đến thăm hỏi, động viên các giáo viên dạy nghề của Lào đang theo học chương trình đào tạo tại Việt Nam từ ngày 17/3 đến 16/5 tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trường Trung cấp Nghề nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội.
Ngày hội thu hút đông đảo học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đến tham dự, trực tiếp trao đổi tại các gian tư vấn để giải đáp những băn khoăn về con đường học tập sau tốt nghiệp. Nhiều học sinh lớp 12 cùng phụ huynh tỏ ra háo hức khi tham dự sự kiện, bởi đây là dịp để các em tiếp cận nhiều lựa chọn thay thế cho đại học, từ đó giảm áp lực trước kỳ thi quan trọng sắp tới. Việc tìm hiểu về các trường trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề cho thấy cơ hội học tập và việc làm ngày nay đang trở nên đa dạng và rộng mở hơn bao giờ hết.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, ông Phạm Xuân Khánh chia sẻ, nhà trường đang tập trung phát triển các ngành nghề có tính ứng dụng cao và nhu cầu lớn trên thị trường lao động như công nghệ ô tô, chăm sóc sắc đẹp và cơ khí. Đây đều là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, với khả năng tạo việc làm ngay sau tốt nghiệp. Một số ngành còn được các doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ học phí, giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình học sinh. Theo ông Khánh, công tác tuyên truyền về định hướng, phân luồng và lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông cần được đẩy mạnh hơn nữa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tổ chức tư vấn tuyển sinh, ký kết hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức phiên giao dịch việc làm, trưng bày sản phẩm và tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh.
Năm nay, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia tư vấn tuyển sinh với tổng số hơn 101.000 chỉ tiêu, trải đều trên hơn 330 ngành, nghề đào tạo ở các cấp độ khác nhau. Cùng với hoạt động tư vấn hướng nghiệp của các trường, hơn 50 doanh nghiệp mang đến Ngày hội khoảng 3.000 vị trí việc làm hấp dẫn, trải rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần khẳng định vai trò thiết thực và tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động./.